Trước đó, vào lúc 16h00 ngày 15/10, khu vực mỏ titan Nam Suối Nhum, xã Thuận Quý của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường xảy ra sự cố sạt lở cát ở khu vực bãi thải tạm khiến 4 công nhân bị vùi lấp. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, đến chiều 18/10, đã tìm được thi thể của nạn nhân cuối cùng dưới lớp cát sâu nhiều mét. Trước đó, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 3 công nhân khác.
Danh tính các nạn nhân gồm: B.Q.T (trú xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ); H.T.P và N.V.N (cùng ngụ tỉnh Bình Thuận) và N.V.T (ngụ tỉnh Bình Định).
|
Với 4 người tử vong, đây là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng (Ảnh: danviet.vn) |
Ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Hàm Thuận Nam đã phối hợp với công an, trung tâm pháp y tỉnh tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; làm việc, lấy lời khai đối với Giám đốc, quản lý và một số người có liên quan của công ty Tân Quang Cường yêu cầu báo cáo rõ nội dung diễn biến đồng thời cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động của Công ty để phục vụ công tác điều tra.
Theo xác minh ban đầu, công ty Tân Quang Cường thực hiện kế hoạch di chuyển cát từ bãi thải khai thác titan đến vị trí cách đó 400 m bằng phương pháp bơm nước theo hệ thống ống dẫn từ hồ chứa đến vị trí đặt 3 máy hút cách chân bãi thải khoảng 15 m. Khi 5 công nhân đang làm việc thì xảy ra sạt lở từ độ cao 20 m khiến 4 công nhân bị vùi lấp, người còn lại may mắn thoát nạn.
Về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Lê Huy Vinh, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho biết cơ quan chức năng cần khẩn trương xác minh làm rõ quy trình khai thác cũng như các yếu tố đảm bảo an toàn lao động máy móc thiết bị có được sử dụng đúng quy cách, đúng chủng loại và người sử dụng có chuyên môn kĩ thuật phù hợp, được tập huấn về an toàn lao động hay không.
Nếu kết quả xác minh cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn, cơ quan chức năng sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động" quy định tại Điều 295 Mục 3 chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015) với khung hình phạt tù từ 07 năm đến 12 năm, hoặc tội "Vô ý làm chết người" do vi phạm quy tắc nghề nghiệp quy định tại Điều 129 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
Còn trường hợp vụ tai nạn xảy ra là do nguyên nhân khách quan, không có lỗi của đơn vị quản lý lao động, cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, sẽ làm rõ các vấn đề liên quan tới hợp đồng lao động, quá trình tham gia bảo hiểm… để giải quyết chế độ, quyền lợi của người lao động.
Bên cạnh việc hỗ trợ mai táng và hoàn tất thủ tục giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động theo quy định, trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định về hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm đầy đủ cho người lao động thì mọi thiệt hại trong vụ việc sẽ do doanh nghiệp chi trả.
“Không chỉ chủ doanh nghiệp, cán bộ giám sát kỹ thuật mà ngay chính bản thân người lao động cần phải nghiêm túc chấp hành, tuân thủ các tiêu chí, quy trình về an toàn lao động. Khẩu hiệu “An toàn là bạn, tai nạn là thù” luôn phải được đặt lên hàng đầu”, luật gia Lê Huy Vinh nhấn mạnh./.