Trộm cắp điện có thể bị xử lý hình sự

Thứ ba, 15/02/2022 18:53
(ĐCSVN) – Theo quy định mới tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 của Chính phủ, hành vi trộm cắp điện ngoài việc bị xử phạt hành chính thì tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về hình thức xử lý mới nhất đối với các quy định liên quan đến vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ điện năng, bạn đọc Nguyễn Văn Hùng, tại TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên hỏi: Trường hợp khi cơ quan chức năng phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ điện năng, căn cứ pháp lý nào để xử lý? Mức xử lý hành chính cụ thể ra sao? Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, đối tượng vi phạm có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Về nội dung này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư để phân tích, làm rõ.

Ảnh minh họa (Nguồn: ENVCPC). 

Theo luật sư Đặng Văn Tiến, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Trong đó, có những nội dung liên quan đến mức xử lý đối với các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân trong các hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ điện năng.

 Theo đó, người dân sẽ bị phạt tiền từ 4-10 triệu đồng với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp dưới 1 triệu đồng; phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 1 triệu đồng đến dưới 2 triệu đồng.

 Còn người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

 Hành vi vô ý gây sự cố hệ thống điện của bên bán điện hay tự ý cấp điện cho tổ chức, cá nhân khác người dân sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng; bị phạt 5-8 triệu đồng đối với hành vi tự ý lắp đặt, đóng, cắt, sửa chữa, di chuyển, thay thế các thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện.

 Hành vi tự ý đóng điện dùng khi công trình sử dụng điện của bên mua điện chưa nghiệm thu; khi đang trong thời gian bị ngừng cấp điện do vi phạm quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 8-10 triệu đồng.

 Phạt tiền từ 10-14 triệu đồng đối với một trong các hành vi: gây hư hại, tự ý di chuyển hệ thống đo đếm điện (kể cả tủ bảo vệ công tơ, các niêm phong và sơ đồ đấu dây); sử dụng các thiết bị với mục đích gây nhiễu làm hư hại thiết bị truyền số liệu, đo lường, bảo vệ của hệ thống điện.

 Khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2 triệu đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

 Bên cạnh đó, Nghị định 17/2022/NĐ-CP cũng quy định mức phạt khá cao đối với vi phạm của các đơn vị bán lẻ điện nếu có vi phạm. Theo nghị định này, đơn vị bán lẻ điện sẽ bị phạt từ 10 - 30 triệu đồng với một trong các  hành vi (nếu có): không ký hợp đồng mua bán điện sau 7 ngày làm việc mà không có lý do chính đáng kể từ khi bên mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt đã bảo đảm các điều kiện theo quy định và thỏa thuận về các nội dung trong dự thảo hợp đồng; sử dụng các thiết bị đo đếm điện năng không được kiểm định theo quy định hoặc đã được kiểm định nhưng không đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành cho thiết bị đo đếm điện năng đối với lưới phân phối điện.

 Ngoài ra, đơn vị bán lẻ điện cũng bị phạt tiền từ 50-60 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: bán sai giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định; thực hiện không đúng quyền hạn về ngừng, giảm mức cung cấp điện; không thông báo hoặc thực hiện không đúng nội dung thông báo theo quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện do Bộ Công thương ban hành.

 “Như vậy, đối chiếu theo các điều khoản quy định xử lý như trên thì đối tượng vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ điện năng khi sai phạm sẽ bị xử lý hành chính. Cùng với đó, một trong những điểm đáng lưu ý là việc, khi cơ quan chức năng phát hiện hành vi trộm cắp điện với giá trị sản lượng điện trộm cắp từ 2 triệu đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, tổ chức, cá nhân khi phát hiện những hành vi sai phạm thuộc một trong số những hành vi nêu trên thì hoàn toàn có thể trình báo cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật” – luật sư Đặng Văn Tiến phân tích thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực