|
Nhóm đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp, móc túi người bệnh tại cơ quan điều tra.
(Nguồn: tienphong.vn).
|
Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, tuy nhiên, các cơ sở y tế như bệnh viện, trung tâm khám chữa bệnh … đều luôn cố gắng phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng duy trì, thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự, tránh phát sinh những vấn đề phức tạp như trộm cắp, lừa đảo … Mặc dù vậy, lợi dụng sự thiếu cảnh giác của cơ quan chủ quản cũng như từ lực lượng bảo vệ, tại một số nơi vẫn diễn ra tình trạng mất cắp tiền, tài sản. Đáng chú ý là người bị mất tiền, tài sản đa phần là người bệnh, người nhà bệnh nhân, đôi khi vì chủ quan, mất cảnh giác, chỉ trong tích tắc đã mất một phần hoặc toàn bộ tiền, tài sản mang theo trong quá trình khám, chữa bệnh. Điều này phần nào ảnh hưởng tới tinh thần, thể chất người đến khám chữa bệnh cũng như niềm tin từ người nhà bệnh nhân vào quá trình bảo đảm ổn định an ninh trật tự từ cơ sở khám chữa bệnh.
Mới đây nhất, qua quá trình tiếp nhận tin báo từ quần chúng nhân dân, cũng như quá trình điều tra, làm rõ, cơ quan Công an tỉnh Tiền Giang đã tiến hành lệnh bắt giữ nhóm đối tượng chuyên móc túi tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang.
Các đối tượng gồm: Thạch Buôl (SN 1961) và Nguyễn Thị Kim Thúy (SN 1964), cùng cư trú ấp Phú Hòa, xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long; Nguyễn Thị Ngọc Sương (SN 1958), Nguyễn Thị Minh Huyền (SN 1980), cùng ngụ tỉnh An Giang; Bùi Thị Thúy Liễu (SN 1973), Phạm Thanh Hùng (SN 1986), cùng ngụ tỉnh Bến Tre và Thân Văn Vọng (SN 1960, ngụ TP. Hồ Chí Minh). Qua làm việc, các đối tượng thừa nhận hành vi trộm điện thoại di động nêu trên, đem về nhà trọ cất giấu. Tiến hành kiểm tra hành chính 3 nhà trọ mà các đối tượng thuê trên địa bàn ấp 1, xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, công an tạm giữ 25 điện thoại di động các loại, 1 thẻ ATM, 1 két sắt, 11 xe mô tô, hơn 11 triệu đồng và một số đồ vật, tài liệu có liên quan. Ngoài ra, các đối tượng còn thừa nhận đã thực hiện 3 vụ móc túi khác tại khu vực chờ khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang.
Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Xuân Thảo, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi trộm cắp tài sản có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Về mức xử phạt hành chính, luật sư Thảo cho biết, đối với hành vi trộm cắp tài sản lần đầu, không gây hậu quả nghiêm trọng về giá trị tài sản thiệt hại (dưới 02 triệu), chưa bị kết án về 01 trong các tội về chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt hành chính. Nội dung này được quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Trộm cắp tài sản”
Như vậy, mức phạt hành chính với hành vi trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật là từ 01 đến 02 triệu đồng.
Cùng với việc bị xử phạt vi phạm hành chính như trên, cũng theo luật sư Thảo, tùy thuộc vào thiệt hại về tài sản và mức độ nghiêm trọng gây ra, người có hành vi trộm cắp tài sản còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Cụ thể, tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, khung hình phạt của tội trộm cắp tài sản được quy định như sau:
Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
“Như vậy, đối chiếu những quy định nêu trên, trên cơ sở điều tra, xác minh vụ việc, cơ quan chức năng sẽ lấy đó làm căn cứ để xử lý. Mức xử lý vi phạm này bao gồm cả hình thức xử lý hành chính và xử lý hình sự. Do đó, người dân bị hại cần hết sức cảnh giác, tránh lơ là, chủ quan để mất tài sản trong quá trình khám chữa bệnh. Trường hợp khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc là nạn nhân thì cần nhanh chóng trình báo, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an để được bảo vệ kịp thời, thu hồi, lấy lại tài sản đã mất. Việc này, vừa bảo đảm an toàn cho cá nhân, vừa bảo đảm lợi ích cộng đồng trong vấn đề ổn định tình hình an ninh trật tự công cộng” – luật sư Lê Xuân Thảo cho biết thêm./.