Luật sư nói về trách nhiệm trong vụ án sập nhà 43 Cửa Bắc (Hà Nội)

Thứ ba, 09/08/2016 21:07
(ĐCSVN) - Ngày 7/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại số nhà 43 phố Cửa Bắc (quận Ba Đình, Hà Nội). Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã phân tích trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ án này.

 

Theo Cơ quan công an, nguyên nhân ban đầu của vụ sập nhà được xác định do 3 yếu tố: Nhà số 43 Cửa Bắc (đang cho thuê làm cửa hàng bán nem) được xây dựng từ lâu, hệ thống móng và tường chịu lực kém; mưa dài ngày từ cơn bão số 1 gây ảnh hưởng; quá trình thi công nhà số 41 (liền kề nhà số 43) không có những biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình xung quanh, dẫn đến sập đổ nhà số 43 phố Cửa Bắc.

Nhà số 41 Cửa Bắc do bà Nguyễn Thị Vân làm chủ, người ở thường xuyên là ông Nguyễn Quốc Hùng con trai bà Vân. Ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1980, qua thời gian sử dụng đã xuống cấp nên bà Vân làm hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng, sửa chữa nhà và được UBND quận Ba Đình đồng ý cho sửa chữa, xây dựng lại nhà cũ trên diện tích 33m2 với một tầng và một gác lửng, với điều kiện: "Trước khi khôi phục lại nhà cũ phải lập hồ sơ khảo sát hiện trạng các công trình liền kề. Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với việc hư hỏng các công trình liền kề...".

Tuy nhiên, bà Vân không thực hiện đầy đủ các nội dung trên, mà thuê anh Trần Tiến Tuân (21 tuổi ở Thanh Hóa) xây dựng lại nhà của mình. Anh Tuân thuê anh Bùi Quốc Tùng (30 tuổi, ở Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) phá dỡ toàn bộ ngôi nhà của bà Vân. Tùng đã thuê Trần Văn Minh dùng máy xúc đào móng căn nhà này, còn Tùng và Lê Văn Tiến lái xe chở đất thải đi đổ. Nhóm của Tùng làm đến khoảng 3h sáng 4/8 thì Minh phát hiện đường ống nước bị vỡ, làm nước chảy tràn ra xung quanh. Đến 3h30 sáng cùng ngày, ngôi nhà 3 tầng tại địa chỉ số 43 phố Cửa Bắc bất ngờ đổ sập, khiến 9 người trong nhà gặp nạn, trong đó có 2 người đã tử vong.

Trao đổi với chúng tôi về trách nhiệm của các bên trong vụ việc sập nhà số 43 nói trên, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, những thông tin trên cho thấy, công trình số nhà 41 Cửa Bắc đã xây dựng sai với nội dung trong giấy phép.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode (Đoàn Luật sư TP Hà Nội). Ảnh: AL

Về trách nhiệm của chủ nhà số 41 Cửa Bắc và đơn vị thi công, Luật sư Thắng cho biết, Luật Xây dựng hiện hành đã quy định cụ thể những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng: Nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng khi không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng (khoản 6 Điều 12); Chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng (khoản 7 Điều 12).

Theo Luật sư Thắng, việc chủ nhà thuê anh Tuân, mới 21 tuổi làm “tổng thầu” công trình sửa chữa, xây dựng lại nhà số 41 Cửa Bắc mà không lập hồ sơ khảo sát các công trình liền kề là quá chủ quan, thiếu cẩn trọng. Bởi, một thanh niên 21 tuổi dù được đào tạo bài bản, thì cũng khó có đủ năng lực, kinh nghiệm lập hồ sơ khảo sát hiện trạng các công trình liền kề tại một khu phố cổ kính, lâu đời với nền địa chất đặc thù, mật độ dân cư đặc biệt cao như phố Cửa Bắc. Vì vậy, cơ quan chức năng cũng cần xem xét cả trách nhiệm của chủ công trình số 41 Cửa Bắc khi chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để xây lại ngôi nhà của mình.

Đối chiếu sự việc với quy định pháp luật cho thấy, chủ nhà, nhà thầu và các thầu phụ đã phạm vào điều cấm nói trên của Luật Xây dựng. Ngoài ra, chủ nhà số 41 còn không tuân thủ nội dung Giấy phép của nhà chức trách nên phải chịu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự khi để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự theo Điều 229 là chính xác. Theo Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 thì hậu quả vụ việc này rơi vào trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự đối với gia đình những nạn nhân cũng cần phải được cơ quan tố tụng xem xét và phân định dựa trên yếu tố lỗi của từng cá nhân và thiệt hại thực tế theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại.

Về trách nhiệm của chủ nhà số 43 Cửa Bắc, nếu có đủ căn cứ chứng minh chủ nhà biết về tình trạng không đảm bảo chất lượng của ngôi nhà nhưng vẫn tiếp tục dùng để kinh doanh (cho thuê) mà không cảnh báo trước thì có thể bị xem xét khởi tố về tội “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 98 Bộ luật Hình sự.

Qua vụ việc trên, Luật sư Thắng cũng kiến nghị, cần làm rõ cả trách nhiệm của cơ quan cấp phép như: Đã lập biên bản ngừng đập phá công trình chưa? Có chủ động kiến nghị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hay cưỡng chế? Đã áp dụng các biện pháp ngừng cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình sai phép chưa? Đã chỉ đạo, phối hợp với công an cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật liệu, và yêu cầu công nhân không vào phá dỡ công trình hay chưa?...

“Điều 104 Luật Xây dựng 2014 đã quy định trách nhiệm của cơ quan cấp phép xây dựng: “Chủ trì và phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra việc thực hiện xây dựng theo giấy phép xây dựng; đình chỉ xây dựng, thu hồi giấy phép xây dựng theo thẩm quyền khi chủ đầu tư xây dựng công trình vi phạm nghiêm trọng”, Luật sư Nguyễn Phú Thắng nói./.

An Luých

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực