Quảng cáo chữa bệnh không phép bị xử lý thế nào?

Thứ sáu, 08/12/2023 10:31
(ĐCSVN) – Bạn đọc Nguyễn Văn Thành ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam hỏi: “Thời gian qua, tôi thấy rất nhiều người không có chuyên môn nhưng lên mạng xã hội quảng cáo về việc có thể chữa được các loại bệnh như ung thư, tiêu hóa, hô hấp… Tôi xin hỏi, việc quảng cáo chữa bệnh không phép trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có, hành vi này sẽ bị xử lý ra sao?”

Liên quan đến câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Văn Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và Cộng sự, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, khoản 1 điều 9 Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, quy định: "Nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải phù hợp với giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh".

Do vậy, hành vi quảng cáo trên mạng xã hội để khám, chữa bệnh nhưng không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là hành vi vi phạm các quy định quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh.

Mặt khác, theo khoản 3 điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, người thực hiện hành vi vi phạm trên còn buộc phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo, theo khoản 5 điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

 

Ông Hà Duy Thọ nhiều lần lên mạng quảng cáo về việc chữa bệnh dù không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, khám chữa bệnh; không có chứng chỉ hành nghề. (Ảnh chụp màn hình).

Đặc biệt, hành vi bán các sản phẩm, thuốc không rõ nguồn gốc cho bệnh nhân, là hành vi vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ điểm a khoản 6 điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được bán thuốc y học cổ truyền theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đối với hành vi bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, căn cứ khoản 6 điều 58 Nghị định 117/2020/NĐ-CP tùy theo giá trị hàng hóa mà hành vi mua, bán thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa có giấy phép nhập khẩu hoặc chưa có giấy đăng ký lưu hành có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 100 triệu đồng.

Căn cứ khoản 9 điều 58 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, người thực hiện hành vi bán thuốc chưa có giấy phép nhập khẩu hoặc chưa có giấy đăng ký lưu hành còn buộc phải tiêu hủy toàn bộ số thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cũng theo Luật sư Nguyễn An Bình, theo điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015, trong trường hợp có căn cứ xác định số thuốc không rõ nguồn gốc là thuốc giả thì người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh.

Tùy thuộc vào mức độ và tính chất mà mức phạt tù có thể từ 2 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, hành vi quảng cáo trên mạng xã hội để khám, chữa bệnh nhưng không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là hành vi vi phạm các quy định pháp luật hiện hành. Người dân cần cẩn trọng trước các thông tin trên mạng xã hội, nhất là các thông tin liên quan đến sức khỏe. Khi nghi ngờ bản thân có các dấu hiệu bệnh tật phải đến các cơ sở uy tín để được thăm khám, tránh việc quá tin tưởng vào các thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội./.


 

Vũ Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực