Và chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, người Việt đã tiêu thụ trên 1 tỷ lít bia. Một con số có lẽ sẽ làm mát mặt Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA), nhưng nó cũng là con số nói lên những thực trạng đáng buồn.
Mức tiêu thụ bia rượu của Việt Nam không ngừng tăng cao trong những năm qua
(ảnh: nguoiduatin.vn)
Người Việt đang uống bia rượu ở “đẳng cấp” nào? Những con số dưới đây sẽ nói lên tất cả. Năm 2015, sản lượng bia của chúng ta đạt 3,4 tỷ lít, sản lượng rượu sản xuất công nghiệp đạt 70 triệu lít. Tính trên toàn cầu, lượng rượu bia trung bình sử dụng đã không tăng trong suốt 1 thập kỷ qua, nhưng ở Việt Nam, con số đó lại tăng theo trục thẳng đứng. Tỷ lệ tiêu thụ bia rượu ở nước ta hiện đã cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 ở châu Á (sau Nhật Bản và Trung Quốc), và nằm trong top 25 thế giới. Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, mức độ tiêu thụ bia rượu của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp đôi. Mức tiêu thụ trung bình một năm của nam giới là 27,4 lít, gấp hơn 4 lần mức trung bình toàn cầu. Dự báo tới năm 2025, một kỷ lục mới sẽ được thiết lập: Mức tiêu thụ bia rượu trên đầu người ở toàn quốc sẽ là 7 lít/năm.
Với một đất nước có tới hơn 8000 lễ hội mỗi năm, có vẻ như việc tiêu thụ bia rượu nhiều là một logic. Nhưng trái lại, với một quốc gia có tổng thu nhập quốc nội và thu nhập bình quân đầu người GDP chỉ xếp thứ 8/10 nước Đông Nam Á, câu chuyện này lại hoàn toàn khác. Có sự liên quan nào không, khi bên cạnh việc liên tục tăng trưởng tỷ lệ sử dụng rượu bia, năng suất lao động của Việt Nam hiện đã thua... Lào, và chỉ còn cao hơn Myanmar và Campuchia? Có sợi dây liên kết nào, khi ở thời bình, chúng ta vẫn chấp nhận mất một sư đoàn mỗi năm vì tai nạn giao thông, đánh nhau, va chạm trên đường, hay các bệnh liên quan chỉ vì bia rượu?
Có lẽ, câu chuyện về bia rượu giờ đây đã trở thành một nét “văn hóa” khó thể thay đổi. Trên các diễn đàn du lịch, người ta đã quá quen với những lời thán phục của khách nước ngoài khi chứng kiến “đẳng cấp nhậu” của người Việt. Từ sáng đến đêm, từ quán này sang quán khác, từ thanh niên cho tới người cao tuổi, từ công chức tới những người lao động tự do... tất cả đều hòa chung vào vòng quay bất tận của ma men...
Khi những con số về bia rượu tăng, thì vẫn còn những thứ khác tiếp tục giảm. Năm 2015, trong khuôn khổ ngày sách quốc gia Việt Nam, người ta công bố rằng bình quân mỗi năm, một người Việt chỉ đọc 0,8 quyển sách. Thật không thể tin nổi, khi chúng ta chấp nhận bỏ ra tới 3 tỉ USD mỗi năm, bằng gần 3% số thu ngân sách của cả nước để uống bia, nhưng lại không thể bỏ tiền ra mua, hoặc không cần mua một quyển sách, cho dù đã có ở đâu đó treo khẩu hiệu "xây dựng một xã hội học tập"?! Nó cũng giống như năng suất lao động của người Việt lao dốc theo đánh giá của tổ chức Lao động Quốc tế, nhưng vẫn có tới 30 triệu người Việt lướt Facebook mỗi tháng, và trung bình truy cập hàng giờ mỗi ngày.
3 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu, nhưng chỉ... 0,8 cuốn sách. Có điều gì đó không ổn. Không hề ổn khi thay vì tinh hoa, người ta lại chọn chiến thắng bằng số lượng ... Dô, Dô... với tổng các chai bia, rượu ngổn ngang trên và dưới các bàn tiệc. Và, với đầy đủ các lý do để "gặp nhau, lần nào cũng "cạch", như: Liên hoan nhân việc tăng chức, tăng lương; nhà mới, xe mới, chỗ làm mới... thậm chí người yêu mới, vợ mới... và "n" cái mới.
Ham nhậu và lười đọc sách, suy cho cùng đó cũng là một hệ quả logic. Một logic: chát đắng và tụt hậu đang hiện hữu trong đời sống xã hội./.