Từ chủ quan đến thương tật vĩnh viễn…
Trước đây, đốt pháo nổ vào các dịp Tết Nguyên đán vốn là một trong những hoạt động quen thuộc của nhiều người dân. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, thậm chí cướp đi sinh mạng của người sử dụng. Việc sản xuất, vận chuyển và sử dụng pháo nổ để lại không ít hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Do đó, từ ngày 1 tháng 1 năm 1995, Nhà nước ta đã nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước. Song trên thực tế, có không ít cá nhân vẫn lén lút sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại pháo nổ. Hệ quả là những tai nạn về pháo, đặc biệt là pháo nổ “tự chế” đã xảy ra ở nhiều nơi. Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ trong 8 ngày Tết năm 2020, số người bị thương do pháo nổ, pháo tự chế là hơn 300 người. Thời gian gần đây, xuất phát từ sự hiếu kỳ, chủ quan, nhất là bộ phận giới trẻ, dẫn đến thực trạng sử dụng, chế tạo pháo nổ tiếp tục tái diễn.
Theo các chuyên gia, pháo nổ chứa nhiều chất độc hóa học và có sức công phá rất lớn. Pháo nổ không chỉ tỏa nhiệt gây bỏng mà còn sinh ra khí độc, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp. Hơn nữa, đối với những trường hợp tự chế tạo pháo, người chơi thường phải tiếp xúc gần với các loại thuốc nổ, nên khi nổ rất dễ bị tổn thương nặng như: đứt ngón tay, mù mắt, điếc, bỏng, thậm chí giập nát và gãy xương…
|
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân liên quan đến pháo nổ. (Ảnh: LH).
|
Theo tìm hiểu của phóng viên, riêng Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), chỉ trong vòng 1 tháng qua, đã tiếp nhận gần 10 trường hợp bị thương tật có liên quan đến pháo nổ. Đơn cử, một nam thanh niên, 18 tuổi, ở Bắc Giang nhập viện trong tình trạng giập nát bàn tay trái. Nguyên nhân là do pháo phát nổ trong quá trình bệnh nhân nhồi thuốc. Trước đó, một bệnh nhân 15 tuổi, ở Hà Nội bị đa chấn thương do bắt chước video trên mạng xã hội để tự làm pháo chơi Tết; hay trường hợp bệnh nhân 44 tuổi, ở Hải Phòng cũng bị giập nát 3 ngón tay... Các bác sĩ cho biết, hầu hết số bệnh nhân này đều nhập viện cấp cứu trong tình trạng tổn thương rất nặng.
Đảm bảo đón Tết an toàn
Thời điểm này, việc sử dụng pháo nổ đang có xu hướng gia tăng, nhất là tình trạng tự ý chế tạo pháo nổ. Trong khi các lực lượng chức năng đang đẩy mạnh công tác ngăn chặn việc sản xuất, vận chuyển và buôn bán các loại pháo lậu ở biên giới nước ta đang rất nóng thì tại các bệnh viện, không ít trường hợp bệnh nhân phải điều trị do pháo nổ tự chế. Tai nạn do sử dụng các loại pháo nói chung và pháo nổ tự chế nói riêng đều rất nguy hiểm, không chỉ để lại hậu quả cho chính nạn nhân mà còn biến họ thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Chia sẻ với báo chí, PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết: “Ngoài nguy cơ cháy nổ, hỏa hoạn, pháo nổ còn gây ra những chấn thương cho các bộ phận gân, cơ và da. Tuy nhiên, tai nạn do pháo nổ tự chế còn mang tính đặc thù riêng biệt như: gây giập, nát xương, thậm chí là nhiễm trùng máu và để lại di chứng rất nặng nề cho người bệnh…”.
|
Pháo nổ tự chế gây thiệt hại lớn về người và tài sản. (Ảnh: HN). |
Nguy hiểm là vậy, song thực trạng đáng báo động này vẫn thường xuyên tái diễn, nhất là dịp cận Tết. Bởi, pháo tự chế thường kích thích sự tò mò đối với nhiều người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Theo các chuyên gia y tế, nhiều em gặp tai nạn trong quá trình bắt chước, học "chế" pháo theo các video, quảng cáo hướng dẫn trên mạng xã hội trong khi chưa hiểu rõ về các chất hóa học trong thuốc, quy trình vận chuyển cũng như sử dụng pháo nổ cho hoạt động thực tế…
Đau đớn có thể sẽ qua đi, nhưng nỗi ám ảnh về tinh thần hay di chứng, thương tật sẽ vĩnh viễn để lại trên cơ thể bệnh nhân do pháo nổ gây ra. Đây chính là hậu quả cho sự chủ quan về tác hại cũng như thiếu hiểu biết về các quy định trong sử dụng pháo nổ.
Có thể thấy, việc sản xuất và sử dụng các loại pháo nổ tự chế đang là thực trạng đáng báo động, gây mất trật tự an toàn xã hội. Trong khi những mặt hàng pháo nổ bị cấm sản xuất và tiêu thụ thì còn nhiều người ngang nhiên sử dụng pháo nổ tự chế. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe và tính mạng con người; là hành vi vi phạm pháp luật theo Nghị định số 137/2020/NĐ-CP. Để đảm bảo đón Tết an toàn, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp sản xuất, buôn bán và sử dụng pháp nổ, pháo tự chế. Đồng thời, gia đình và trường học cần đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Nghị định 137 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và sử dụng pháo, nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức của mọi người về mức độ nguy hiểm mà pháo nổ gây ra./.