Covid-19: Thu gom khẩu trang y tế để tái chế bán ra thị trường sẽ bị xử lý ra sao?

Thứ ba, 25/02/2020 20:39
(ĐCSVN) - Khẩu trang và các dụng cụ y tế phòng chống dịch bệnh COVID-19 đang là mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch hiện nay. Tuy nhiên, đang có dấu hiệu một số người lợi dụng tình hình khan hiếm để thu gom các khẩu trang y tế loại sử dụng 1 lần để tái chế, bán ra thị trường.
 Thu gom các khẩu trang y tế loại sử dụng 1 lần để tái chế, bán ra thị trường phải chỉ là hành vi gian thương mà còn là hành vi làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Ảnh: dantri.com.vn

Cụ thể, chiều 22/2, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, mới đây đơn vị đã kiểm tra, phát hiện đối tượng thu gom 620kg khẩu trang y tế đã qua sử dụng ở Vĩnh Phúc, để mang về Hà Nội tập kết.

Sự việc được phát hiện khi công an kiểm tra một ngôi nhà tại thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn. Tiến hành xác minh, cảnh sát xác định Nguyễn Minh Nguyên (SN 1996; trú tại Phổ Yên, Thái Nguyên) là người đã thu mua số khẩu trang trên từ khu vực Phúc Yên, Vĩnh Phúc rồi mang về cất giấu tại thôn Đa Hội.

Trước hiện tượng thu gom khẩu trang y tế để bán lại rất nguy hiểm vì không đảm bảo an toàn với sức khoẻ người sử dụng dư luận thể hiện sự bức xúc và lên án mạnh mẽ hành vi này của các đối tượng.

Theo TS. Đỗ Ngọc Văn, Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội cho rằng: Khẩu trang y tế là loại sản phẩm sử dụng một lần. Sau khi được loại bỏ thì khẩu trang đã qua sử dụng trở thành rác, không còn giá trị và có thể chứa nhiều mầm bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Việc một số cá nhân, tổ chức nhặt, gom khẩu trang đã qua sử dụng để bán lại là hành vi vi phạm đạo đức, đồng thời đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. không thể bất chấp mạng sống của tất cả mọi người chỉ vì "tiền", kinh doanh trên tính mạng của rất nhiều người, cần loại bỏ và có biện pháp nghiêm trị. 

Chị Hồng Minh (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) phản ánh: Hành vi thu gom khẩu trang đã qua sử dụng rồi bán lại cho người dân để kiếm lời thể hiện sự vô lương tâm. Bởi lẽ, trong tình hình xuất hiện dịch Covid- 19 rất nguy hiểm, cả nước đang tập trung phòng dịch, đảm bảo đời sống sức khỏe cho nhân dân thì những người này lại có hành động như vậy. Đây không phải chỉ là hành vi gian thương mà ở một góc nhìn khác đó là hành vi làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Để tìm hiểu rõ hơn về hành vi thu gom khẩu trang đã qua sử dụng dưới góc độ pháp lý, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Nghị (Trưởng Văn phòng Luật An Dân thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội), luật sư nêu rõ quan điểm:

Việc một số cá nhân, tổ chức nhặt, gom khẩu trang đã qua sử dụng để bán lại cho tổ chức, cá nhân khác nhưng gian dối là hàng công ty, hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng... Hành vi này không những cần lên án, chỉ trích mà phải xử lý theo pháp luật để làm gương cho những kẻ chỉ vì hám lợi trước mắt mà bất chấp đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của cộng đồng. Hành vi này có thể bị truy cứu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự nếu số tiền chiếm đoạt được từ 2 triệu đồng trở lên. Trong trường hợp số tiền chiếm đoạt do hành vi gian dối này dưới 2 triệu thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, cơ quan chức năng tịch thu tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà có.

Nếu tổ chức, cá nhân biết rõ loại khẩu trang này đã qua sử dụng, không đảm bảo chất lượng an toàn mà bán cho người khác thì tùy vào hành vi cụ thể, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Mua bán hàng giả hoặc tội Lừa dối người tiêu dùng.

Trường hợp các cơ sở bán khẩu trang đã qua sử dụng hoặc kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái mà trị giá tài sản bán ra từ 30 triệu đồng trở lên thì người vi phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán hàng giả.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa dối người tiêu dùng (nếu hành vi lừa dối khách hàng chiếm đoạt từ 5 triệu đồng trở lên).

Đối với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS, cơ quan điều tra cần giám định 620kg khẩu trang có chứa dịch bệnh hay không? Đây là loại tội phạm có cấu thành vật chất nên buộc phải có hậu quả làm cho người khác bị lây dịch bệnh.

Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi thu gom 620kg khẩu trang qua sử dụng của đối tượng nếu không đủ căn cứ xử lý hình sự thì cũng cần thiết xử lý bằng biện pháp hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo điểm b, Khoản 6, Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đối với hành vi vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường không đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý chất thải theo quy định./.

Tuệ An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực