|
Cần tăng cường các biện pháp phòng chống để tránh dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Ảnh: Ngọc Đăng |
Tính đến chiều ngày 01/7, (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 10,6 triệu trường hợp mắc COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có trên 514 nghìn trường hợp tử vong; hơn 5,5 triệu ca phục hồi và hơn 57.000 ca bệnh nặng. Mỹ tiếp tục là quốc gia ghi nhận số mắc cao nhất, với 2.727.996 trường hợp; 18 quốc gia khác có số mắc trên 100.000 trường hợp (Brazil, Nga, Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Peru, Chile, Ý, Iran, Mexico, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Ả Rập Xê Út, Pháp, Bangladesh, Nam Phi, Canada); 47 quốc gia có số mắc trong khoảng 10.000 - 100.000 trường hợp; 65 quốc gia/vùng lãnh thổ có số mắc trong khoảng từ 1.000 - 10.000 trường hợp; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có dưới 1.000 trường hợp mắc. Điều đáng nói là tại nhiều quốc gia đang chứng kiến sự bùng phát trở lại dịch bệnh nguy hiểm này sau thời gian gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội.
Điển hình là tại Trung Quốc, sau thời gian tạm lắng, một đợt bùng phát COVID-19 mới đây xuất phát từ chợ đầu mối Xinfadi (Tân Phát Địa) ở quận Haidian (Phong Đài) phía tây bắc thủ đô Bắc Kinh đang khiến dư luận lo lắng. Bởi chợ đầu mối này được biết đến là nơi cung cấp tới 80% hàng hóa thực phẩm nông sản được sản xuất cả ở trong và ngoài Trung Quốc. Do vậy, sẽ tiềm ẩn những nguy cơ lớn về việc lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng.
Cũng ở châu Á, Ấn Độ đang là quốc gia chứng kiến tình hình dịch bệnh lan rộng nhất. Chỉ trong ngày 28/6, Ấn độ đã ghi nhận thêm 380 ca tử vong và hơn 19.000 ca mắc mới. Còn tại Hàn Quốc dù ghi nhận số ca mắc mới ở mức dưới 50, song số ca nhiễm lại xuất hiện lẻ tẻ tại nhiều cộng đồng, khiến giới chức y tế nước này lo ngại nguy cơ có thể xảy ra đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 mới vào mùa hè năm nay.
Đặc biệt tại khu vực Mỹ Latinh, dịch COVID-19 đang tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Trong 1 tháng qua, số người mắc bệnh tại khu vực này đã tăng hơn 3 lần, lên khoảng 2,5 triệu người. Ở một số “điểm nóng” như Brazil, Mexico... đã ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh trong những ngày gần đây. Tuần qua, Brazil đã ghi nhận gần 300.000 ca mắc, trong đó 7.005 người đã thiệt mạng. Điều này đã đưa Brazil trở thành quốc gia Mỹ Latinh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19; đồng thời cũng là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Theo phân tích của các chuyên gia phòng dịch, điểm chung của các quốc gia nói trên đó là việc giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ; ý thức phòng dịch của người dân còn có những hạn chế nhất định; ở một số, thậm chí người dân còn tranh luận về việc có cần đeo khẩu trang hay không...
Tại nước ta, từ cuối tháng 4/2020 đến nay, cơ bản dịch bệnh COVID-19 đã được khống chế có hiệu quả. Đến nay, đã 77 ngày (tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 02/7) Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng; đã có 336/355 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 94,64% tổng số ca bệnh. Trong đó, 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Thông tin trên là những tín hiệu tích cực, khẳng định những kết quả quan trọng của nước ta trong “cuộc chiến” chống dịch bệnh COVID-19. Thực tế, nhiều tổ chức quốc tế đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19. Song cũng cần nhấn mạnh, Việt Nam đang khống chế có hiệu quả dịch bệnh COVID-19 nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta được phép chủ quan, bởi đây là loại dịch bệnh hết sức nguy hiểm, luôn có nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Ví dụ rõ ràng nhất là tại Trung Quốc, sau 56 ngày COVID-19 không lây nhiễm cộng đồng thì với việc phát hiện bệnh nhân ở chợ đầu mối Xinfadi, Bắc Kinh đang đứng trước sự bùng phát trở lại của dịch bệnh COVID-19. Những người sống tại 11 khu vực xung quanh những điểm này bị phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Thực tế ở Việt Nam, Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể, kịp thời, phù hợp trong việc kết hợp giữa công tác phòng chống dịch COVID-19 với duy trì các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, tính từ khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, giãn cách xã hội được gỡ bỏ thì không ít người đã có tâm lý buông lỏng phòng dịch. Tuy Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giảm sát, phòng bệnh trong tình hình mới nhưng nhiều địa phương thực hiện không chưa nghiêm túc; một bộ phận người dân có biểu hiện chủ quan không còn đeo khẩu trang tại nơi công cộng, không thực hiện rửa tay sát khuẩn.
Cần nhận thấy, những diễn biến của dịch bệnh COVID-19 ở Bắc Kinh trong thời gian vừa qua có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Tức là không bùng phát mạnh mà chỉ dừng lại ở các ca nhiễm, ổ dịch nhỏ lẻ và được khống chế ngay. Song, do có tuyến biên giới chung với Trung Quốc khá dài nên nguy cơ xâm nhập dịch đối với Việt Nam là rất cao. Trong khi tình hình dịch bệnh của nước bạn chưa thật sự ổn định, chúng ta cần cảnh giác hơn nữa với các nguồn lây nhiễm từ ngoài vào. Đồng thời, không được nơi lỏng công tác phòng chống dịch COVID-19.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại nhiều quốc gia trong những ngày gần đây đã làm dấy lên lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhiều lần cảnh báo, các nước không nên vội vã nới lỏng các lệnh hạn chế bởi nó có thể khiến dịch bùng phát mạnh trở lại.
Thiết nghĩ, trong tình hình hiện nay, Việt Nam cần duy trì, làm tốt việc ngăn dịch từ bên ngoài, tức kiểm soát người nhập cảnh, cách ly tập trung ngay, xét nghiệm sàng lọc kịp thời. Ở trong nước, cần tăng cường giám sát, đặc biệt là những ca có triệu chứng như sốt, ho, khó thở... qua đó, phát hiện sớm ca nhiễm trong cộng đồng. Khi phát hiện ca nhiễm, cần khoanh vùng ngay, dập dịch kịp thời, tránh lây lan. Đồng thời, cần duy trì các biện pháp kiểm soát và hạn chế người đi qua biên giới, đường hàng không, đường biển. Tuyên truyền, động viên người dân tiếp tục duy trì các biện pháp đeo khẩu trang, vệ sinh tay...
Hơn 514 nghìn ca nhiễm COVID-19 trên thế giới bị tử vong đã cho thấy tính chất nguy hiểm của loại dịch bệnh này. Nhất quán phương châm “chống dịch như chống giặc”, duy trì tốt các biện pháp phòng chống dịch sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục khống chế có hiệu quả dịch bệnh COVID-19; không để dịch bệnh bùng phát gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của người dân./.