Nhà chờ trên phố Lê Văn Lương... (Ảnh minh họa: Vũ Hoàng).
Vẫn chưa có phương án hoạt động
Hợp phần xe buýt nhanh khối lượng lớn - BRT thuộc dự án "Phát triển giao thông đô thị Hà Nội" là một trong những dự án phát triển vận tải hành khách công cộng trọng điểm, quy mô lớn của Hà Nội nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2015, hệ thống giao thông công cộng đáp ứng 40-50% nhu cầu đi lại của người dân, qua đó hạn chế phương tiện cá nhân.
Dự án xe buýt nhanh Hà Nội được xây dựng theo lộ trình chiều đi: Bến xe Kim Mã - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương – Tố Hữu - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - quốc lộ 6 - Bến xe Yên Nghĩa; chiều về: Bến xe Yên Nghĩa - quốc lộ 6 - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Giang Văn Minh - Kim Mã - Bến xe Kim Mã. Tổng chiều dài của cả lộ trình khoảng 14,7km, chiều rộng mặt đường dành riêng cho loại hình này là khoảng 3,75m và 21 nhà chờ xe buýt nằm trên dải phân cách giữa đường. Trên các tuyến phố trong lộ trình sẽ có làn đường chỉ dành riêng cho xe buýt nhanh.
Được khởi công năm 2013, với mức đầu tư hơn 55 triệu USD (tương đương hơn 1.000 tỉ đồng), dự kiến khai thác vào năm 2015 nhưng dự án đã lỗi hẹn hơn 1 năm. Mới nhất, chiều 31/5, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2016.
Đáng buồn thay, thời điểm hẹn không còn nhiều nhưng hệ thống xe buýt nhanh lại đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ bởi vẫn chưa có phương án chạy xe. Cùng với đó, theo ghi nhận của phóng viên (PV) Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, dọc tuyến, nhiều hạng mục vẫn còn dang dở, ngổn ngang, còn những hạng mục đã hoàn thành thì trong tình trạng hoen gỉ, xuống cấp....
Ở khía cạnh khác, có quá nhiều vấn đề đặt ra đang khiến các nhà quản lý phải đau đầu tính toán. Trong đó, vấn đề khó nhất hiện nay là bắt buộc phải có đường ưu tiên cho xe buýt nhanh. Chính ông Hà Huy Quang cũng thừa nhận: “Giờ khó nhất là giải quyết làm sao nó vận hành được. Bắt buộc phải có đường ưu tiên. Nhưng thực tế hiện nay, mật độ giao thông tại Hà Nội cao, hạ tầng giao thông thiếu, rất khó dành riêng một làn đường cho xe buýt với tần suất 2-3 phút/chuyến. Do đó, chúng tôi đang tính toán lại phương án chỉ làm đường dành riêng cho một số đoạn như: nút giao đường vành đai I, II…, còn phần đường còn lại phải dùng chung”.
Mặt khác, theo thiết kế, tuyến xe buýt BRT đã chốt toàn bộ đường dành riêng 3,5m và có gờ ngăn toàn bộ đường. Nhưng đi vào thực tế triển khai thì thấy có chỗ làm được, chỗ không nên phải tính toán lại...
Với những thách thức trên, người dân không khỏi không nghi ngờ vào lời hẹn “vận hành vào cuối năm 2016”?
Người dân phát chán khi nhắc tới xe buýt nhanh...
Còn nhớ, ngay từ khi đưa ra dự án với số vốn đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng, nhiều ý kiến của cả các chuyên gia và người dân đều cho rằng, dự án xe buýt nhanh tại Hà Nội không hợp lý, là dự án "trên mây", sẽ càng khiến giao thông Hà Nội ùn tắc... Điển hình như ý kiến của TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT (Bộ Giao thông vận tải), chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị cho rằng, dự án xe buýt nhanh đang gây lãng phí cả về không gian và lãng phí về tiền bạc.
Về phía người dân, hiện nay, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều ý kiến “than” về dự án này. Chị Hoàng Lương, nhà ở khu đô thị Văn Quán (Hà Đông), hàng ngày phải đi làm qua đường Khuất Duy Tiến nói: “Tôi đã từng hy vọng vào dự án này, nhưng đến giờ hoàn toàn thất vọng. 3 năm qua, đi qua tuyến đường này ngày nào cũng tắc. Tôi cho rằng, nếu đưa dự án buýt nhanh vào khai thác, theo phương án có đường riêng cho xe buýt nhanh thì đường này càng thêm ùn tắc”.
Còn ông Nguyễn Văn Hải, nhà ở đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông), người thường xuyên phải đi trên lộ trình của xe buýt nhanh cũng phản ánh: “Tôi không hiểu hệ thống nhà chờ xe buýt nhanh tại sao lại nằm giữa dải phân cách trên các tuyến đường. Tôi nghĩ, người người tham gia phải băng qua đường để lên xuống xe quá bất tiện, thậm chí có thể xảy ra tai nạn giao thông”.
Một giảng viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, xe buýt nhanh là một loại hình giao thông công cộng sử dụng xe buýt có làn đường riêng và hệ thống giao thông ưu tiên nhằm tạo ra tốc độ di chuyển nhanh hơn và tần suất vận tải lớn hơn. Nhưng theo tìm hiểu, dự án buýt nhanh này có công suất vận chuyển 90 khách, tốc độ di chuyển 22 km/h, mà tốn hơn 1.000 tỷ đồng là quá lãng phí, tốn kém mà không hiệu quả. Giảng viên này nói thêm: “Tôi cho rằng, đây là kiểu lập dự án lấy được. Chúng tôi là những người dân mà cũng biết trước là dự án không khả thi, nhưng không hiểu tại sao vẫn được thành phố cho làm?”.
Chị Lê Thị Ngọc Hương (Trung Hòa, Cầu Giấy) thì cho rằng, mục đích của việc thực hiện dự án BRT là giảm ùn tắc, tai nạn giao thông nhưng loại xe này không phù hợp hạ tầng đô thị của Hà Nội, bởi đường Hà Nội nhỏ, giao cắt nhiều. “Là người đi xe buýt nhiều năm, tôi cho rằng, việc cải tạo, hiện đại hệ thống giao thông là rất cần thiết. Nhưng làm thế nào thì làm cũng phải bám sát thực tiễn, cân nhắc xem có phù hợp với điều kiện của ta không, đừng bê nguyên của nước ngoài về”.
Liên quan đến tính khả thi của dự án, mới đây nhất, trong văn bản thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội về việc triển khai thực hiện BRT được ký ban hành ngày 20/6 cũng nhấn mạnh, vẫn còn hàng loạt vấn đề cần xem xét “bộc lộ nhiều bất cập về phương án tổ chức giao thông, thiết kế kỹ thuật của xe buýt BRT khi áp dụng vào thực tế của thành phố”.
Thông báo cũng nêu rõ, giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan trao đổi, phối hợp với đơn vị tư vấn, “trên cơ sở thực tiễn về quy hoạch, điều kiện nguồn lực, cơ sở hạ tầng, thực trạng giao thông của Thành phố, khẩn trương đánh giá lại hiệu quả của dự án”./.
(Còn tiếp).