|
Nhiều người tiếc nuối khi những cây phượng bị chặt bỏ... Ảnh: VOV. VN
|
Dư luận cho rằng đây có thể là phản ánh mang tính thái quá. Và vấn đề quan trọng là cần có những giải pháp lâu dài để vừa bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, vừa duy trì được những tán cây xanh trong các trường học...
Không biết từ khi nào, hình ảnh cây phượng vĩ với những chùm hoa đỏ rực vào mỗi độ hè về đã gắn liền với mái trường và tuổi học trò. Không phải ngẫu nhiên, mọi người thường coi hoa phượng là loài hoa đặc trưng, biểu tượng của tuổi học trò và và được trồng ở các trường học. Tuy nhiên, điều này rất có thể sẽ bị thay đổi sau sự cố đáng tiếc xảy ra mới đây ở trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP. HCM): Một cây phượng bất ngờ bật gốc đã khiến nhiều em học sinh thương vong.
Cụ thể, sau sự cố đáng tiếc nói trên, tại một số trường học ở nhiều địa phương trong cả nước, hàng loạt cây xanh, nhất là cây phượng đã bị cắt cành, tỉa tán; thậm chí bị chặt hạ một cách “vô tội vạ”. Nhiều loại cây xanh khác như: xà cừ, bàng... trong khuôn viên các trường cũng bị cắt tỉa trơ cành. Nhiều ý kiến phụ huynh cho rằng, việc đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh trong nhà trường là rất cần thiết, tuy nhiên phải xem xét tình trạng cây xanh như thế nào để tránh đốn bỏ hàng loạt mảng xanh trong các trường học theo kiểu “thà chặt nhầm còn hơn bỏ sót”. Các trường nên phối hợp với cơ quan chuyên môn để kiểm định chất lượng cây xanh trước khi quyết định đốn hạ, cắt tỉa, bởi chặt bỏ đốn hạ thì rất nhanh, nhưng trồng và chăm sóc cây xanh để cho bóng mát cho học sinh thì phải tốn thời gian dài.
Anh Nguyễn Văn Đức ở quận Hà Đông (Hà Nội) bày tỏ: “Các trường học nên có hướng bảo tồn và lưu giữ lại những cây cổ thụ. Cây nào yếu, bị sâu mục hãy chặt thay vì đốn hạ một cách vô tội vạ, mặc định cứ to là chặt. Cây phượng không có lỗi khi nó bị bật gốc. Lỗi có chăng là ở công tác kiểm tra tình trạng “sức khỏe” của cây và việc phối hợp giữa các bên có liên quan khi cây có hiện tượng sâu mọt, mục ruỗng”.
Chị Lê Thu Phương ở quận Cầu Giấy cho rằng, thay vì chặt hạ toàn bộ cây xanh thì nên có biện pháp chống đỡ, kiềng sắt để bảo vệ cây. Ngành môi trường đô thị cần phối hợp chặt chẽ cùng các trường học trong việc kiểm tra, cắt tỉa các cây già cỗi để đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Về lâu dài, cần tính toán đến phương án thay thế cây xanh trong học đường bằng những loại cây có bộ rễ vững chắc hơn. “Việc duy trì những bóng cây xanh tại các trường học là rất cần thiết. Việc làm này vừa tạo không gian cho các em học sinh vui chơi; vừa xây dựng ở các em ý thức yêu thiên nhiên. Song, cơ quan chức năng cần có giải pháp vừa giữ cây xanh, vừa bảo vệ an toàn cho trẻ. Các trường nên khảo sát cây nào bị mục ruỗng, có nguy cơ không an toàn thì cưa, cây nào an toàn thì nên giữ lại”, chị Thu Phương nhấn mạnh.
Cùng quan điểm nói trên, cô giáo Trần Thanh Minh ở Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội) cho biết, theo tôi, chúng ta không nên đổ lỗi cho cây phượng. Việc chặt bỏ hàng loạt cây phượng không phải là giải pháp tích cực vì bất cứ cây nào cũng đều có những tuổi đời nhất định và sẽ mục ruỗng theo thời gian. Do đó, dù là phượng hay cây gì, theo quy luật, rễ cũng sẽ bị thoái hoá, cây cũng bị rỗng ruột và việc không chịu được sự quăng quật của mưa bão đó là lẽ thường tình. Vấn đề ở đây là cần thường xuyên kiểm tra, giám sát tình trạng các loại cây xanh trong khuôn viên trường học để có thể chủ động xử lý, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như ở TP. Hồ Chí Minh vừa qua. “Chặt hạ một cây có thể chỉ mất 1-2 phút nhưng để có một cây xanh cao lớn thì phải mất từ 10-15 năm, hoặc lâu hơn thế. Do vậy, cần hết sức cẩn trọng trước khi quyết định chặt bỏ cây phượng hay bất kỳ cây nào khác trong khuôn viên các trường học”, cô giáo Trần Thanh Minh chia sẻ thêm.
|
GS.TS. Trần Văn Chứ - Hiêu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp. Ảnh: Hồng Hạnh
|
Theo GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp: “Lỗi đâu phải do cây xanh, lỗi là do con người chăm sóc và “ép” cây phải theo cái đẹp của con người nghĩ ra”. Cùng với đó, cách trồng, chăm sóc các loại cây xanh ở trường học hiện nay cũng tạo ra nhiều nguy cơ về việc gãy đổ, bật gốc. Bởi lẽ, việc bê tông hóa sân trường, chỉ để lại những ô nhỏ tại các gốc cây đã khiến cho những cây xanh không còn đất sống; rễ cây giảm khả năng “hô hấp” nên không thể ăn sâu vào đất dẫn đến việc dễ dàng bị bật gốc khi gặp gió, bão.
Có thể thấy, việc chặt tỉa các cành cây, loại bỏ những cây xanh lâu năm đã mục rỗng có nguy cơ đổ gãy trong khuôn viên trường học là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng, đặc biệt là trước mùa mưa bão nhằm để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, việc đó khác hoàn toàn với phản ứng thái quá của nhiều trường hiện nay khi quyết định chặt bỏ hàng loạt cây phượng cùng nhiều loại cây xanh khác dù những cây này vẫn xanh tốt, không có dấu hiệu bị sâu mọt..../.