Hiện trường vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh. Ảnh: Báo Giao thông
Vụ việc cụ thể, tàu kéo sà lan từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai đã đâm vào trụ cầu Ghềnh (tại km 1699+860 thuộc khu gian đường sắt Biên Hòa - Dĩ An) làm gãy trụ cầu và làm sập hai nhịp 2 và 3 của cầu. Vụ tai nạn đã khiến sà lan bị lật úp trên sông. Tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn, tàu hỏa chở hàng mang số hiệu 2542 đang chạy trong khu gian Biên Hòa – Dĩ An. Rất may, nhân viên gác chắn đã kịp thời dừng tàu, nếu không, thiệt hại liên đới sẽ không thể đo lường được. Hệ lụy của sự cố sập cầu đã làm cho ga Sài Gòn bị cô lập, khiến Ga Biên Hòa thành điểm tập kết và trung chuyển khách đi Ga Sài Gòn và ngược lại… Chi phí vật chất có thể tính được, song tổn hại về sức khỏe, tinh thần của những người bị “chết hụt” và sự chờ đợi, phiền lòng của hành khách tại ga trung chuyển là rất lớn.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do người điều khiển không tuân thủ quy định an toàn giao thông đường thủy nội địa khi lưu thông qua cầu Ghềnh. Và thông tin cho biết, sau vụ đâm sập cầu Ghềnh, 2 người điều khiển phương tiện đã rời khỏi hiện trường.
Vụ việc khiến dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Trong đó, Cục đường thủy nội địa, Sở Giao thông vận tải Đồng Nai trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình cần trả lời công luận về việc: Thiết lập và quản lý hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa trên tuyến lưu thông qua cầu Ghềnh bảo đảm đúng quy định chưa? Công tác quản lý hệ thống bến thủy nội địa hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo phân cấp quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra sao?
Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh và cơ quan đăng kiểm có trách nhiệm gì trong công tác đăng ký, kiểm tra kỹ thuật, cấp phép lưu thông đối với phương tiện vận tải đường thủy, cụ thể là tàu kéo số hiệu SG – 3745 ("Tàu kéo này có công suất 205 CV, chủ tàu là Phan Thế Thượng, địa chỉ ở 206 Lô BCC Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh" - theo Tuổi trẻ). Tàu kéo sà lan đâm sập cầu Ghềnh được kiểm định gần nhất vào ngày 6/3/2015 và đã hết hạn kiểm định vào ngày 1/12/2015. Như vậy, đến ngày gây ra vụ việc nghiêm trọng (ngày 20/3), tàu kéo SG - 3745 đã hết hạn kiểm định gần 3 tháng.
Và, câu hỏi đối với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy các địa phương là: Đã hướng dẫn, kiểm soát giao thông đường thủy nội địa đối với sà lan chở hàng trăm tấn cát từ Long An về hướng Đồng Nai này như thế nào? Có hay không, người điều khiển phương tiện thủy đã “chào, bắt tay” các lực lượng chức năng, để rồi “thở phào”, vô ý đâm sập Cầu Ghềnh?
Được biết, vụ việc trên đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố điều tra. Thông tin mới nhất là 2 tài công của sà lan đâm sập cầu Ghềnh đã bị bắt - “sập lưới” pháp luật. Nhưng, còn ai trong cơ quan quản lý bị “sập”, bị xử lý kỷ luật vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng? Câu hỏi đang được bạn đọc nêu ra và mong muốn báo chí tiếp tục thông tin, giám sát và phản biện./.