Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12, khóa XII, Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến và xem xét, quyết định Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XIII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ được bàn tại các Hội nghị tiếp theo.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, sáng 11/5, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Việc xác định phương hướng công tác nhân sự phải xuất phát từ yêu cầu thực hiện đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị ở nước ta. Thực hiện tốt công tác nhân sự là công việc hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước. Do đó, phải xây dựng Ban Chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội Đảng - thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc.
Nhất trí cao với quan điểm nói trên, đảng viên Nguyễn Văn Tượng, Chủ nhiệm Khoa - Phó Bí thư Đảng bộ Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng) chia sẻ: Quan điểm của Trung ương về công tác nhân sự là hoàn toàn đúng đắn, khoa học, phù hợp với đòi hỏi thực tiễn. Làm tốt công tác nhân sự là cơ sở để Trung ương chọn được người có tâm, có tầm, có tài; từ đó góp phần ngăn chặn hiện tượng cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, gây mất đoàn kết, "cua cậy càng, cá cậy vây" làm tổn hại uy tín, đe dọa sự tồn vong của Đảng và vận mệnh quốc gia, dân tộc. “Tôi nghĩ, đây cũng là mong muốn, kỳ vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cả nước đối với Hội nghị Trung ương lần thứ 12”, đảng viên Nguyễn Văn Tượng cho biết thêm.
|
Đảng viên Nguyễn Văn Tượng, Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng). Ảnh: QĐ
|
Là công dân Thủ đô, luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, thực tế nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài có liên quan đến phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng về tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay. Đó là phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm. Đây là điều kiện để Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoàn thành tốt nhiệm vụ; thực sự tiền phong, gương mẫu trong công tác.
Theo đảng viên Nguyễn Thanh Thủy ở TP Hòa Bình (Hòa Bình), chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, đã có gần 100 cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị và nhiều Ủy viên Trung ương đương chức. Điều này vừa là bài học kinh nghiệm về việc lựa chọn nhân sự vừa thể hiện rõ quyết tâm đấu tranh chống tiêu cực để nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng. Do vậy, công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cần được thực hiện khách quan, thật sự trong sáng, lựa chọn người đủ đức, đủ tài; kiên quyết loại bỏ những người vi phạm, chạy chức chạy quyền, những người có dấu hiệu tiêu cực khỏi cơ cấu nhân sự nhiệm kỳ mới.
|
Đảng viên Nguyễn Thanh Thủy ở TP Hòa Bình (Hòa Bình). Ảnh: QĐ |
Đảng viên Lê Văn Tình, 63 tuổi ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) nhất trí cho rằng vấn đề lựa chọn cán bộ là việc cần quan tâm hàng đầu. Hội nghị Trung ương lần thứ 12, khóa XII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cần lựa chọn được những cán bộ, đảng viên gương mẫu, kiên quyết không để lọt vào Trung ương những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất… "Chú trọng thực hiện tốt công tác nhân sự sẽ giúp ngăn chặn, loại bỏ những người có tư tưởng bè phái, tư lợi, cục bộ. Làm tốt nhân sự, đồng thời cũng giúp chấm dứt tình trạng mất đoàn kết, kéo bè kết cánh để mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”, đảng viên Lê Văn Tình nhấn mạnh.
Có thể thấy, Hội nghị Trung ương lần thứ 12, khóa XII về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là sự kiện chính trị quan trọng. Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đều tin tưởng vào kết quả Hội nghị Trung ương lần thứ 12, khóa XII trong xác định phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Đây là cơ sở để Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lựa chọn được những đồng chí đủ đức đủ tài, thực sự xứng đáng với niềm tin của nhân dân; cùng đồng tâm, vững chí lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.