|
Tờ rơi quảng cáo vay tiền, được dán trên cột điện. (Ảnh: anhp.vn) |
Có thể thấy chưa bao giờ việc vay tiền lại dễ như hiện nay. Chỉ cần gọi vào số điện thoại từ các trang quảng cáo hoặc tờ rơi của các “doanh nghiệp tài chính”, rất nhanh, bạn sẽ được các “tư vấn viên” chào đón bằng những hứa hẹn hấp dẫn và hướng dẫn rất nhiệt tình các thủ tục để vay tiền. Và khi bạn đã hoàn tất các thủ tục đó, chỉ gồm những việc đơn giản như đưa ra giấy tờ nhà đất, chứng mình thư, sổ hộ khẩu, đăng ký xe máy, bằng lái xe… thậm chí chỉ cần thẻ sinh viên, thẻ học sinh, hay đến cả… thẻ thư viện, bên cho vay tiền cũng chấp nhận.
Không những vậy, quá trình hoàn tất các thủ tục cho vay cũng hết sức chóng vánh. Chỉ cần khoảng 30 phút là người vay có thể đã được nhận tiền. Còn lãi suất vay? Thoạt nghe qua cũng thấy dễ chấp nhận, bởi lãi suất bao giờ cũng thấp hơn 20%, nghĩa là dưới mức cho phép của Luật Tín dụng. Thậm chí có nhiều “doanh nghiệp” quả quyết rằng, việc làm của họ chỉ xuất phát từ ý tưởng muốn giúp đỡ mọi người, đặc biệt là giúp đỡ những học sinh, sinh viên trong học tập hoặc muốn khởi nghiệp. Do đó lãi suất chỉ vào khoảng vài phần trăm, thậm chí không lãi suất…
Tuy nhiên, khi mọi việc ký tá đã xong xuôi, đến lúc giao nhận tiền thì mới xuất hiện hàng loạt những chi phí “phát sinh” được đưa ra, khiến mức “lãi suất thấp” kể cả mức “không lãi suất” kia cao vọt lên ngất ngưởng, khiến người vay khiếp vía, nhưng tất cả trở thành “sự đã rồi”…
Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp người vay tiền sa bẫy “tín dụng đen”, rồi lãi cũ đẻ lãi mới, có khi đã trả gấp mấy lần số tiền đã vay mà vẫn không hết nợ. Bị các nhóm xã hội đen truy bức, đe dọa, khủng bố, đánh đập dã man, đành phải bán nhà trốn đi biệt xứ. Có người vì “tín dụng đen” mà tan cửa nát nhà, phải nhảy cầu tự tử.
Trước thực trạng đó, các cơ quan chức năng đã tổ chức triển khai nhiều đợt truy quét, khởi tố, xử lý nghiêm minh nhiều băng nhóm “tín dụng đen”. Điển hình như vụ băng tín dụng đen lớn nhất cả nước, do Nguyễn Đức Thành cầm đầu “doanh nghiệp tài chính” là Công ty Tài chính Nam Long trụ sở chính đặt tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Từ cuối năm 2017 đến tháng 6-2018, Nguyễn Đức Thành và các đồng phạm quản lý 6 miền và 24 khu vực đã cho 95 khách hàng trong cả nước vay tổng số tiền 32,6 tỷ đồng với lãi suất cho vay từ 182,5% đến 365% mỗi năm, thu lời bất chính số tiền trên 8,6 tỷ đồng. Không những vậy, Nguyễn Đức Thành và đồng phạm còn liên quan đến hành vi tra tấn, cố ý gây thương tích và giữ người trái pháp luật, dẫn đến nạn nhân bị tử vong.
Hoặc như vụ cửa hàng cầm đồ 399 ở địa chỉ 399 Trần Văn Giàu, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, do đối tượng Nguyễn Bá Mẽ cầm đầu, qua đấu tranh các đối tượng khai nhận, chúng thường cho vay lãi nặng với số tiền dao động từ 5 triệu đồng đến 300 triệu đồng và lãi suất từ 20%-45%/tháng. Cạnh đó tại cửa hàng này, cơ quan chức năng còn thu giữ được nhiều dao, kiếm, súng đạn và cả áo giáp mà chúng dùng để đe dọ, trấn áp con nợ…Trước sự tấn công mạnh mẽ của cơ quan chức năng, nhiều băng nhóm đã bị tan rã. Một số băng nhóm khác nằm “án binh bất động”, số còn lại rút vào hoạt động bí mật, hoặc “ẩn mình chờ thời”…
Mặc dù vậy, gần đây, hiện tượng “cho vay online” qua mạng lại đang trở nên hoạt động mạnh hơn, bởi dựa vào công nghệ hiện đại, những cách thức hoạt động của các nhóm này khá tinh vi, nên khó bị phát hiện hơn hẳn những băng nhóm cho vay truyền thống. Các loại quảng cáo cho vay thông qua các trang mạng Zalo, facebook… khá linh hoạt và rất dễ tiếp cận. Đối tượng chủ yếu là các sinh viên, người buôn bán nhỏ… hoạt động cho vay thường diễn ra bó mạt nên cơ quan chức năng khó phát hiện…
Bạn Lê Minh Trang, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội cho biết: vừa qua, em cần vay 5 triệu để chi phí cho học tập. Thấy trên Zalo, Facebook nhiều nhóm cho vay online với điều kiện dễ dàng, em đã đăng kí vay với thời gian một tháng. Sau khi cung cấp ảnh chứng minh thư, zalo cá nhân, em đã được họ cho vay 5 triệu, nhưng khi nhận tiền, lại chỉ có 4,5 triệu. Họ nói đó là trừ các khoản chi phí phát sinh, như phí làm hồ sơ, phí quản lý vay và hai ba loại phí nào đó nữa…cuối cùng khi em trả hết cả lãi lẫn gốc, em tính ra họ lấy lãi tới hơn 30%, từ đó em rút ra kết luận là vay như vậy lãi suất sẽ rất cao, ít người vay nào chịu nổi.
Còn anh Nguyễn Thanh Hải, làm nghề chạy xe công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh thì cho biết: Hai tháng trước, khi đang cần tiền và nghe lời dỗ ngon ngọt của “tư vấn viên” trên mạng, anh đã vay 15 triệu của một “doanh nghiệp tài chính mạng”, ngay sau đó anh đã khốn khổ bởi những tin nhắn thúc bách phải trả những khoản lãi cao. Có những lần họ còn đe dọa “xin ông tí tiết” kiến anh hoảng hồn, phải đi vay chỗ khác để giả hết cho họ đúng thời hạn. Tính ra anh đã mất hơn gấp đôi lần tiền để mua chiếc xe máy mà hiện anh đang dùng chở khách…
Trước những hiện tượng trên, vừa qua Bộ Công an đã lên tiếng cảnh báo người dân về những thủ đoạn cho vay lãi trên mạng, theo Bộ Công an, các đối tượng dùng thủ đoạn cho vay qua các ứng dụng trên mạng Internet với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm; tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng Internet và điện thoại di động. Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện, nhắn qua mạng gây sức ép, thậm chí đe dọa đến tính mạng, buộc người vay tiền phải trả hết các khoản lãi và gốc, với lãi suất rất cao. Bộ Công an nhấn mạnh, bên cạnh việc cần báo ngay cho cơ quan chức năng, trước hết, những người có nhu cầu vay tiền cần thận trọng, cân nhắc kỹ khi giao dịch. Nếu thật sự cần thiết thì phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, thể hiện đầy đủ thông tin như: tên công ty, có mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại đầy đủ, cụ thể. Ngoài ra phải xem xét thật kỹ các điều khoản để tránh bị ‘sa bẫy” tín dụng đen.
Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng các dịch vụ tài chính chính thống, vay từ các ngân hàng hoặc các công ty tài chính được cấp phép để đảm bảo an toàn. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một số quy định mới nhằm siết chặt hơn hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng.
Theo Luật sư Trương Anh Tú, (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Hà Nội): Điều 468 Luật tín dụng quy định về lãi xuất như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Như vậy bất kỳ hoạt động cho vay nào mà vượt quá quy định trên thì đều là vi phạm Luật mà bị xử lý theo pháp luật./.