Nội dung và giá trị cốt lõi trong tác phẩm “Thường thức chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ hai, 18/09/2023 14:56
Tác phẩm “Thường thức chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1953 đã trang bị cho người đọc những hiểu biết căn cốt nhất về chính trị từ vấn đề giai cấp đến vấn đề dân tộc, từ cách mạng dân tộc dân chủ đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, từ xây dựng Đảng đến xây dựng Nhà nước… Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm quan trọng này không chỉ là định hướng cho toàn Đảng, toàn dân về cách nghĩ, cách làm mà còn tạo niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng. Cho đến nay, tác phẩm “Thường thức chính trị” vẫn còn nguyên tính thời sự, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Thường thức chính trị” gồm 50 bài viết, ký bút danh Đ.X đǎng trên nhiều số báo Cứu quốc. Ảnh tư liệu

Những nội dung cơ bản của tác phẩm “Thường thức chính trị”

Để nâng cao nhận thức chính trị cho toàn Đảng, toàn dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến kiến quốc giai đoạn 1952-1954, năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Thường thức chính trị” gồm 50 bài viết, ký bút danh Đ.X đǎng trên nhiều số báo Cứu quốc. Nǎm 1954, các bài viết này được Nhà xuất bản Sự thật tập hợp lại và in thành sách với tiêu đề “Thường thức chính trị” để cung cấp tài liệu học tập và tuyên truyền trong cán bộ và Nhân dân. 

Tác phẩm “Thường thức chính trị” tập trung trình bày ngắn gọn các quan điểm về chính trị, kinh tế, xã hội, đó là:

Về chế độ chính trị: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích làm rõ bản chất của chế độ phong kiến, chế độ tư bản chủ nghĩa, chủ nghĩa đế quốc. Từ đó lý giải vì sao nước ta bị ngoại xâm; vì sao nhân dân ta cực khổ; muốn hết khổ chúng ta phải làm gì? Cũng từ việc làm rõ bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định với những mâu thuẫn mang tính bản chất, nhất định chủ nghĩa tư bản sẽ bị thay thế bởi một chế độ xã hội tốt đẹp hơn. Chủ nghĩa cộng sản ra đời là một tất yếu lịch sử.

Về vấn đề giai cấp: tác phẩm đã phân tích làm rõ đặc tính của các giai cấp trong xã hội Việt Nam, từ đó lý giải vì sao giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng, vì sao giai cấp nông dân là đội chủ lực của cách mạng, động lực của cách mạng là những tầng lớp giai cấp nào? Làm thế nào để phát huy được sức mạnh của các giai cấp, tầng lớp?

Về tính chất và nhiệm vụ của nhà nước: Nhà nước của ta là Nhà nước Dân chủ cộng hòa do công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc bầu ra, thực hành dân chủ với Nhân dân, chuyên chính với thực dân, đế quốc. Nhà nước ta do giai cấp công nhân lãnh đạo, đảm bảo mọi quyền lực thuộc về Nhân dân. Nhà nước có nhiệm vụ xây dựng lực lượng quân đội giỏi về chính trị, tinh thông về kỹ thuật; xây dựng chính quyền gắn bó với Nhân dân, phục vụ Nhân dân; xây dựng kinh tế, xây dựng văn hóa và đạo đức công dân.

Về kinh tế, ở vùng tự do có các thành phần kinh tế địa chủ phong kiến; kinh tế quốc doanh; kinh tế hợp tác xã; kinh tế cá nhân; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản quốc gia. Trong đó, kinh tế quốc doanh là nền tảng của kinh tế dân chủ mới. Phải ra sức phát triển thành phần kinh tế này. Kinh tế cá nhân, kinh tế tư bản tư nhân cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển. Khi bàn về chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Đảng và Chính phủ cần thực hiện 4 chính sách sau: công tư đều lợi; chủ thợ đều lợi; công nông giúp nhau; lưu thông trong ngoài. 

Về Đảng Lao động Việt Nam: đây là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người dành 16/50 bài viết trong tác phẩm để bàn về vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng cũng như chỉ dẫn về những yêu cầu cần đạt tới trong công tác xây dựng Đảng. Người khẳng định phải “có Đảng lãnh đạo, cách mạng và kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”(1). Đảng muốn hoàn thành xứ mệnh lịch sử cao cả đó của mình thì đáp ứng những yêu cầu của cách mạng và phải chú trọng tới công tác xây dựng, phát triển Đảng. 

Ngoài những nội dung cơ bản trên, tác phẩm “Thường thức chính trị” còn phân tích tình hình thế giới, tình hình trong nước và đi đến khẳng định cuộc kháng chiến của dân tộc ta nhất định giành thắng lợi.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng dự Lễ giới thiệu bộ sách thường thức chính trị và tham quan trưng bày sách của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (Ngày 03/2/2023).

Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Thường thức chính trị”

Giá trị lý luận

Đưa ra những chỉ dẫn về cách xác định giai cấp lãnh đạo cách mạng và cách thức phát huy vai trò của các giai cấp trong cách mạng. 

Về tiêu chí để nhận diện giai cấp lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lãnh đạo được hay là không là do đặc tính cách mạng, chứ không phải do số người nhiều ít của giai cấp”(2). “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là: kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật. Lại vì là giai cấp tiền tiến nhất trong sức sản xuất, gánh trách nhiệm đánh đổ chế độ tư bản và đế quốc, để xây dựng một xã hội mới, giai cấp công nhân có thể thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất, tức là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác. Vì vậy, về mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, giai cấp công nhân đều giữ vai trò lãnh đạo”(3). 

Việc xác định đặc điểm của các giai cấp trong xã hội và cách thức phát huy vai trò của các giai cấp cũng được Người chỉ dẫn rõ ràng trong tác phẩm. Theo đó, giai cấp nông dân là lực lượng nòng cốt của cách mạng “nhưng vì hoàn cảnh kinh tế lạc hậu, mà nông dân thường có tính thủ cựu, rời rạc, tư hữu. Cho nên giai cấp công nhân phải đoàn kết họ, giúp tổ chức họ và lãnh đạo họ, thì họ là một lực lượng rất to lớn vững chắc”(4). Giai cấp tiểu tư sản có học thức, dễ có cảm giác chính trị, dễ đi cùng với giai cấp công nhân, nhưng “có những nhược điểm: tự tư tự lợi, rời rạc, kém kiên quyết”(5), do đó giai cấp công nhân cần tuyên truyền, tổ chức giúp đỡ họ. Do địa vị kinh tế, “tư sản dân tộc vừa muốn cách mạng vừa muốn thỏa hiệp”, nên “giai cấp công nhân cần phải vừa đoàn kết với họ, vừa đấu tranh với họ để bảo vệ quyền lợi của công nhân”(6).

Tác phẩm đưa ra những chỉ dẫn về nguyên tắc xây dựng nhà nước mới.

Nhà nước dân chủ cộng hòa là “là nhà nước của đại đa số nhân dân, để thống trị thiểu số phản động, để giữ gìn lợi ích của nhân dân, bằng cách dân chủ chuyên chính của nhân dân”(7). Nhà nước do Nhân dân bầu ra, đối với nội bộ nhân dân thì thực hành dân chủ; đối với đế quốc, phong kiến và bè lũ phản động thì thực hành chuyên chính chống lại chúng, đàn áp chúng.

Nhà nước hoạt động theo nguyên tắc dân chủ tập trung. “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ. Các cơ quan chính quyền là thống nhất, tập trung. Từ hội đồng nhân dân và ủy ban kháng chiến hành chính xã đến Quốc hội và Chính phủ Trung ương, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Thế là vừa dân chủ vừa tập trung. Chế độ dân chủ tập trung khiến cho toàn thể nhân dân (công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc) đều trở nên chủ nhân chân chính của nước nhà, đều đoàn kết để kháng chiến kiến quốc”(8). 

Nhà nước có nhiệm vụ xây dựng quân đội mạnh về chính trị, giỏi về kỹ thuật; xây dựng chính quyền hoạt động hiệu quả trên cơ sở liên hệ mật thiết với Nhân dân, tẩy sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh; xây dựng nền kinh tế, xây dựng văn hóa đảm bảo không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Phải giáo dục Nhân dân để người dân hiểu biết đúng về quyền lợi và trách nhiệm của mình, phát huy vai trò của Nhân dân trong xây dựng nhà nước.

Đưa ra những chỉ dẫn về cách thức xây dựng nền kinh tế.

Theo đó, để xây dựng nền kinh tế, trước hết phải xác định đúng các thành phần kinh tế, xác định đúng vị trí và vai trò của mỗi thành phần kinh tế để có chính sách phát triển phù hợp. Muốn xác định đúng các thành phần kinh tế và vị trí, vai trò của mỗi thành phần kinh tế phải căn cứ vào đặc điểm các giai cấp trong xã hội và mục tiêu của cách mạng. Bên cạnh đó, chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ phải đảm bảo hài hòa về lợi ích cho các chủ thể tham gia, chú trọng phát triển các lĩnh vực là thế mạnh của đất nước, đẩy mạnh giao thương với bên ngoài.

Đưa ra những chỉ dẫn về xây dựng Đảng.

Một là, chú trọng xây dựng nền tảng tư tưởng của Đảng. Người nhấn mạnh: “Chỉ có thông suốt lý luận Mác - Lênin, Đảng mới chắc tiến lên, mới lãnh đạo được giai cấp công nhân tiến lên. Vì vậy, giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”(9).

Hai là, thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình: “Phải thường xuyên thật thà tự phê bình, hoan nghênh quần chúng phê bình mình và thành khẩn phê bình anh em - để sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”(10). 

Ba là, coi trọng công tác giáo dục đảng viên và phải tùy từng đối tượng đảng viên mà lựa chọn cách giáo dục phù hợp: “Đối với những đảng viên đúng tiêu chuẩn, thì Đảng phải bồi dưỡng thêm. Đối với những đảng viên gần đúng (và những đảng viên xuất thân từ giai cấp bóc lột), thì Đảng ra sức giáo dục, giúp đỡ để họ tiến đúng tiêu chuẩn. Đối với những đảng viên đã được giáo dục nhiều mà vẫn không tiến đúng tiêu chuẩn, thì Đảng sẽ khuyên họ rút lui, nhưng vẫn giữ cảm tình với họ”(11). 

Bốn là, giữ vững kỷ luật trong Đảng.

Năm là, giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân.

Người khẳng định: “Một đảng có chủ nghĩa Mác - Lênin, có kỷ luật nghiêm khắc, thật thà tự phê bình và phê bình, liên hệ chặt chẽ với nhân dân; một đảng đúng đắn về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức như Đảng Lao động Việt Nam, đó là đảm bảo chắc chắn cho kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công”(12).

Khẳng định sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hiện nay, chế độ tư bản có những mâu thuẫn to, nó không giải quyết được. Một là nhà tư bản sản xuất hàng hóa quá nhiều, quá mau, nhưng không bán hết được; vì công nhân thì nghèo khổ, lớp trung và tiểu tư sản thì nhiều người đã phá sản. Hai là tính chất sản xuất là công cộng - hàng nghìn hàng vạn công nhân cùng làm ở một nhà máy. Mà tư liệu sản xuất thì lại nằm trong tay một số rất ít người”(13). Mâu thuẫn này chỉ có thể được giải quyết trong chế độ cộng sản chủ nghĩa. Do vậy, chủ nghĩa cộng sản nhất định sẽ giành thắng lợi.

Giá trị thực tiễn của tác phẩm

Là cẩm nang giúp Đảng ta thực hiện “chỉnh Đảng, chỉnh quân” thành công tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân.

Thực tiễn đặt ra yêu cầu phải nâng cao nhận thức về chính trị cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; phải thực hiện chỉnh đốn quân đội, chỉnh huấn Đảng, xây dựng chính quyền đặc biệt là chính quyền cấp xã vững mạnh: “Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc, phải khởi đầu từ cán bộ dần dần đến toàn thể nhân viên”(14). Chỉnh huấn Đảng phải nhằm vào: “nâng cao trình độ tư tưởng và chính trị của cán bộ và đảng viên, tẩy bỏ tư tưởng phi vô sản và tiểu tư sản, thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động, đoàn kết toàn Đảng để Đảng làm tròn nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của mình”(15). Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Thường thức chính trị” là tài liệu quý để thực hiện chỉnh huấn Đảng, chỉnh huấn quân đội, chỉnh huấn công tác quần chúng đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đưa ra những chỉ dẫn mang tính nguyên tắc, phương pháp định hướng cho sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở để Đảng ta đưa ra những quan điểm và chính sách cụ thể đối với từng giai cấp, lực lượng nhằm phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, giúp các giai cấp, các lực lượng thực hiện được vai trò, vị trí của mình. Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 21/01/2008 về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức; Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các nghị quyết đã xác định rõ vị trí, vai trò, những điểm mạnh và hạn chế của từng giai cấp, từ đó đưa ra những quan điểm chỉ đạo, phương hướng, giải pháp nhằm xây dựng các giai cấp xứng tầm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh trong tác phẩm cũng là cơ sở để Đảng ta đưa ra các quan điểm về phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII.

Trong công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII khẳng định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính”(16); “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”(17); “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”(18). 

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta xác định: “Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; coi trọng hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng”(19)./.

------------

Ghi chú:

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG-ST, H. 2011, tr.273, tr.257, tr.256, tr.258, tr.259, tr.250, tr.261, tr.264, tr.279, tr.283, tr.284, tr.281, tr.292.

(14), (15) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.398, tr.398.

(16), (17), (18) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I,Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.284, tr.175, tr.176.

(19) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.228-230.

PGS.TS Nguyễn Xuân Trung - Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo Tạp chí Tổ chức nhà nước

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực