Quan tâm nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Chủ nhật, 12/11/2023 21:42
(ĐCSVN) - Thông qua các chính sách giáo dục dân tộc, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng giảm số học sinh bỏ học; củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 06 Nghị định, 03 Quyết định, 01 Chỉ thị, 02 Thông tư; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu Chính phủ ban hành 03 Nghị định liên quan phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Cô và trò Trường Tiểu học Hương Sơn, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế 

Nhờ chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục dân tộc nên hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú ngày càng được quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất tiến tới đạt chuẩn.

Một số địa phương có trường, khoa đặc thù dành cho dân tộc và tôn giáo ngày càng phát huy hiệu quả tích cực.

Tiêu biểu như Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ tại Sóc Trăng; Trường Trung cấp Pali - Khmer Trà Vinh; Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ…

Một số địa phương có trường học hoặc trung tâm dành cho con em người Hoa học tập như: Trường Mầm non, Tiểu học Tân Minh Trí Trà Vinh; Trường Tiểu học Vĩnh Liên tại Vĩnh Long, Trường Tiểu học Tân Huê tại Bạc Liêu; Trường phổ thông Việt Hoa, Trường Bổ túc Hoa ngữ tại Cần Thơ; Trung tâm Hoa ngữ, Trung tâm ngoại ngữ Trung văn tại An Giang.

Hiện có 02 trường tiểu học dạy tiếng Chăm cho con em người Chăm tại An Giang, Khoa Dự bị dân tộc (Trường Đại học Cần Thơ); Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ (Trường Đại học Trà Vinh); Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Sóc Trăng đào tạo thí điểm ngành Sư phạm tiếng Khmer trình độ cao đẳng.

Bên cạnh đó, hệ thống Trường Cao đẳng cộng đồng được hình thành ở hầu hết các tỉnh, thu hút hàng trăm học viên DTTS theo học.

Đối với học sinh, sinh viên các trường chuyên biệt, trường phổ thông vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, học bổng, chính sách hỗ trợ ăn, ở, gạo, tín dụng, cử tuyển, dự bị đại học...

Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Số lượng, chất lượng đội ngũ được tăng cường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới giáo dục dân tộc. Toàn vùng có 9.640 giáo viên người DTTS. Việc dạy và học tiếng DTTS tiếp tục được quan tâm. Tiêu biểu có tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo tiếng Khmer, ban hành chương trình tiếng Khmer lớp 1, lớp 2 và lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Một số địa phương đang tiếp tục xây dựng ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy, đầu tư mua sắm trang thiết bị cho công tác dạy và học tiếng DTTS tại các trường, chùa dịp hè và các trường ngoài hệ thống các trường công lập.

Ví dụ, tỉnh Sóc Trăng có Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer vào dịp hè; tiếng và chữ Hoa tại các trường ngoài hệ thống các trường công lập.

Tỉnh Trà Vinh có Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người dạy bổ túc tiếng Khmer tại các điểm chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh An Giang đang xin ý kiến ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ người dạy và thiết bị dạy, học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số vào dịp hè trên địa bàn tỉnh. 

Thông qua các chính sách giáo dục dân tộc, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng giảm số học sinh bỏ học, củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực ở vùng DTTS&MN.

Theo Báo cáo số 2111/BC-UBDT ngày 21/12/2021 của Ủy ban Dân tộc tổng kết Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, trong số 6.000 học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú tốt nghiệp THPT hằng năm, có trên 50% học sinh thi đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng, 5% được đi học cử tuyển, 13% vào dự bị đại học, khoảng 30% vào trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề hoặc về địa phương tham gia công tác, lao động sản xuất./.

Thanh Vân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực