Tiếp tục thể chế hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc

Thứ bảy, 11/11/2023 18:24
(ĐCSVN) - Thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Việt Nam đã tích cực thể chế hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc.

Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong hai năm 2021, 2022, Uỷ ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) và chính sách dân tộc để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ kịp thời các văn bản không còn phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của chương trình, chính sách.

Lớp dạy nghề sản xuất mây tre đan xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: CTV) 

Tính đến thời điểm tháng 5/2023, từ chủ trương, đường lối của Đảng thể hiện tại 30 văn bản nghị quyết, kết luận, chỉ thị liên quan đến công tác dân tộc, Nhà nước đã thể chế hóa thành hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc trên hầu hết các lĩnh vực đời sống của đồng bào DTTS.

Hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác dân tộc được thể trong Hiến pháp năm 2013, 99 bộ luật, luật (296 Điều).

Giai đoạn 2021 - 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 31 chính sách thực hiện tại vùng DTTS&MN, trong đó có 05 chính sách dành riêng cho người DTTS, vùng DTTS&MN.

Bên cạnh những chính sách tác động trực tiếp đến vùng DTTS&MN còn có các chương trình mục tiêu có nội dung gián tiếp tác động đến vùng DTTS&MN.

Ngoài các chính sách dân tộc do Trung ương ban hành, hầu hết các tỉnh, thành phố vùng DTTS&MN đã quan tâm, ban hành chính sách đặc thù sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống của đồng bào vùng DTTS&MN.

Hệ thống các chính sách dân tộc nói riêng, chính sách thực hiện tại vùng DTTS&MN nói chung hiện nay cơ bản đã bao phủ toàn diện các lĩnh vực đời sống, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng an ninh tại vùng DTTS&MN. Nhiều chính sách có mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, lần đầu tiên nước ta có Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, coi đây là quyết sách lớn nhằm ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS. 

Đó cũng là giải pháp thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982./.  

An Bình

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực