Thanh Hoá: Thúc đẩy phát triển giáo dục dân tộc

Thứ năm, 09/11/2023 14:04
(ĐCSVN) - Trong hệ thống chính sách dân tộc được triển khai trên địa bàn, tỉnh Thanh Hoá luôn quan tâm đến chính sách giáo dục dân tộc vì đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho tương lai ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Đây cũng là giải pháp để Thanh Hóa thể hiện sự bảo đảm, thúc đẩy quyền được học tập của người dân tộc thiểu số, một trong những quyền con người cơ bản đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá gồm 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có thôn miền núi, với 174 xã, thị trấn, 1.551 thôn, bản, khu phố.

Toàn vùng có 7 dân tộc chủ yếu sinh sống gồm: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú, với tổng dân số gần 1 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 69%.

Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Nổi bật là việc hỗ trợ gạo theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NÐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Được hỗ trợ gạo đã tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa yên tâm đến trường (Ảnh: CTV)

Thực hiện chính sách này, năm học 2022 - 2023, tỉnh Thanh Hóa có 9.399 học sinh của 121 trường thuộc 11 huyện, thị xã được hỗ trợ gạo, trong đó: cấp tiểu học có 2.570 học sinh của 46 trường tiểu học; cấp THCS có 3.735 học sinh của 48 trường tiểu học và THCS, trường THCS; cấp THPT có 3.094 học sinh của 27 trường THCS và THPT, trường THPT. Tổng số lượng hỗ trợ là gần 1.274 tấn gạo.

Đối với nhiệm vụ hỗ trợ gạo, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tham mưu tiếp nhận, phân bổ, cấp gạo hỗ trợ cho học sinh theo các quyết định xuất cấp của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.

Cục Dự trữ Nhà nước Khu vực Thanh Hóa tổ chức vận chuyển đến điểm trường chính của các trường học có học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ gạo và giao gạo trên phương tiện của đơn vị.

Cục Dự trữ Nhà nước Khu vực Thanh Hóa thông báo trước lịch cấp gạo cho  các huyện, UBND các huyện giao Phòng Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo các nhà trường trong quá trình giao nhận gạo. Phòng Giáo dục và Đào tạo và Cục Dự trữ Nhà nước Khu vực Thanh Hóa lập biên bản và niêm phong mẫu gạo lưu tại Phòng Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

Đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông tổ chức nấu ăn cho học sinh, Nhà trường có trách nhiệm bảo quản gạo để tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh. Gạo được kiểm tra thường xuyên, đảm bảo không ẩm mốc, hư hỏng khi sử dụng. Đối với các trường không tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh thì thông báo cho phụ huynh đến cùng nhận gạo với học sinh.

Năm học 2023 - 2024, tỉnh Thanh Hoá dự kiến có khoảng 10.011 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ gạo, với số lượng gạo cần hỗ trợ gần 1.352 tấn; dự kiến thời điểm tiếp nhận gạo cho học kỳ I là cuối tháng 9/2023 và học kỳ II là cuối tháng 01/2024.

Ngoài hỗ trợ gạo, học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/NĐ-CP còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở. Cụ thể, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Năm học 2022 - 2023, tỉnh Thanh Hóa có 3.138 học sinh/40 trường được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn và tiền nhà ở

Được biết, năm 2022, tỉnh Thanh Hoá đã thực hiện miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 35.712 lượt học sinh, kinh phí trên 11 tỷ đồng theo Chính sách quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Việc triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ tại Thanh Hoá đã tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi được đến trường, góp phần giúp các nhà trường làm tốt công tác huy động học sinh ra lớp, hạn chế đến mức thấp nhất số học sinh bỏ học, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương./.

Thu Huế

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực