Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ sáu, 17/11/2023 19:39
(ĐCSVN) - Theo tổng hợp từ các địa phương, năm 2022, cả nước đã đã kêu gọi, thu hút và được phân bổ vốn từ các nguồn ODA, phi chính phủ và đưa vào giải ngân tổng giá trị cam kết gần 17 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023), thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” đến năm 2025 theo Quyết định số 2152/QĐ-TTg ngày 18/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2022, cả nước đã đã kêu gọi, thu hút và được phân bổ vốn từ các nguồn ODA, phi chính phủ và đưa vào giải ngân tổng giá trị cam kết gần 17 nghìn tỷ đồng.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với Đoàn Giám đốc Điều hành Ngân hàng Phát triển Châu Á tháng 5/2022 (Ảnh tư liệu)

Ủy ban Dân tộc huy động được gần 100 tỷ đồng nguồn ODA không hoàn lại từ các nước, các tổ chức quốc tế như Chính phủ Ailen, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á.

Bộ Xây dựng thông qua Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc triển khai Dự án: "Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam" do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ 137,6 tỷ đồng không hoàn lại.

Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nghị định thư hợp tác với các đối tác nước ngoài hỗ trợ các dự án chuyển giao công nghệ tiếp tục giúp các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi làm chủ, phát triển các công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã huy động thu hút được từ 9 tổ chức quốc tế với hơn 3 tỷ đồng bổ sung nguồn lực cho Dự án 8 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục thực hiện Dự án “Nâng cao bình đẳng giới trong nông nghiệp và du lịch” cho hộ nghèo, dân tộc thiểu số tại tỉnh Lào Cai do Chính phủ Australia tài trợ 400.000 đô la Australia.

Tỉnh Trà Vinh đã huy động và tiếp nhận viện trợ của Chính phủ Ai Len, 10 tổ chức phi chính phủ nước ngoài và 01 cá nhân để thực hiện 18 chương trình, dự án được gần 41 tỷ đồng theo các nội dung, lĩnh vực gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tỉnh Hà Giang đã được Chính phủ Ai Len tài trợ 22 tỷ đồng để triển khai 11 công trình hạ tầng cơ sở.

Tỉnh Quảng Ngãi đã vận động tổ chức World Vision International tại Việt Nam (WVI-V) tiếp tục tài trợ các chương trình/dự án tại các huyện Minh Long và Sơn Tây với tổng giá trị viện trợ cam kết là 985.110 USD, trong đó có 22 chương trình, dự án, phi dự án dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng giá trị cam kết tài trợ 34,9 tỷ đồng.

Tỉnh Gia Lai đã vận động được 27 dự án với tổng trị giá 5,695 triệu USD.

Các nguồn lực thu hút được sử dụng nhằm tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết, tạo điều kiện phát huy các lợi thế vị trí địa lý của địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Minh Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực