Các bộ, ngành tích cực tham gia chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc

Thứ năm, 16/11/2023 19:40
(ĐCSVN) - Giai đoạn 2021 - 2022, các bộ, ngành Trung ương đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển sản xuất, phát huy thế mạnh của địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).

Bộ Công thương thông qua triển khai 5 chương trình, chính sách như: Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg; Chương trình phát triển thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 259/QĐ-TTg; Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 -2025 theo Quyết định số 1881/QĐ-TTg; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người VN ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 386/QĐ-TTg; Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thu nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến 2030 theo Quyết định số 194/QĐ-TTg; Hoạt động xúc tiến thương mại theo Quyết định số 12/2019/QĐ-TTg đã phê duyệt 16 đề án, nhiệm vụ tập trung cho tuyên truyền, quảng bá xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ, phát triển thị trường cho sản phẩm hàng hóa đặc trưng có thế mạnh của các địa phương vùng sâu, vùng xa, khu vực DTTS&MN.

Bộ Công thương cũng đã triển khai 16 đề án hội chợ vùng với số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia gần 3.000 lượt, doanh số bán hàng đạt gần 450 tỷ đồng; thực hiện 91 đề án khuyến công với kinh phí 63 tỷ đồng hỗ trợ cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa khu vực phía Bắc, Duyên hải miền Trung Tây Nguyên, Tây Nam Bộ có tác động trực tiếp đến đồng bào DTTS&MN.

Đồng bào các dân tộc thiểu số thôn Bản Kép, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên tham gia làm đường giao thông nông thôn (Ảnh minh họa) 

Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 186 cầu treo dân sinh tại khu vực tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống ở 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; huy động được 253 tỷ đồng xây dựng 44 cầu giao thông nông thôn phục vụ đi lại của bà con.

Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn 13 tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg. Tính đến tháng 11/2021, các địa phương đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 19.032/23.797 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng tránh bão, lụt, đạt tỷ lệ 80%; trong đó, riêng hỗ trợ hộ gia đình là đồng bào DTTS: 1.099 hộ, đạt tỷ lệ 5,77%.

Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, nhà đại đoàn kết vùng đồng bào DTTS, giúp nhân dân định canh định cư: Giúp nhân dân hơn 400.000 ngày công lao động; tu sửa, nâng cấp hơn 900 km đường giao thông nông thôn; thu hoạch hơn 3.000 ha hoa màu; ủng hộ 2.487 con bò giống, vốn sản xuất hơn 400 tỷ đồng; xây dựng 1.350 nhà đồng đội, nhà cho người nghèo là đồng bào DTTS trị giá hơn 110 tỷ đồng. Tiếp nhận, tạo việc làm cho trên 2.000 đồng bào DTTS; tiếp nhận 212/0.935 người đến định cư lập nghiệp; thu hút trên 100 trí thức trẻ tình nguyên; liên kết 35 làng người Kinh với làng đồng bào DTTS, 617 hộ người Kinh với hộ đồng bào DTTS. 

Bộ Tài chính thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách bảo vệ và phát triển rừng đã xuất 7.527,55 tấn gạo (giá trị khoảng 89 tỷ đồng) cho tỉnh Bắc Kạn và Thanh Hóa.

Phụ nữ các dân tộc thiểu số xã Bản Liền, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai phát triển kinh tế nhờ cây chè (Ảnh: CTV) 

Trung ương Hội Nông dân VN đã vận động gần 12.000 chủ hộ là hội viên nông dân người DTTS đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; chỉ đạo triển khai 16 mô hình sản xuất năm 2022 gắn với 16 tổ hội nông dân nghề nghiệp, giúp đỡ gần 400 hộ nông dân nghèo là người DTTS phát triển kinh tế với giá trị hơn chục tỉ đồng.

Tiêu biểu như mô hình nuôi bò (Phú Thọ), mô hình trồng cây mận hậu (Sơn La), mô hình chăn nuôi bò sinh sản (Hà Giang, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Kạn, Đăk Nông, Gia Lai, Lào Cai), mô hình nuôi gà (Bắc Giang), mô hình trồng cây dược liệu (Yên Bái, Hòa Bình, Nghệ An), mô hình nuôi lợn bản địa (Quảng Ngãi)...

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, Hội Nông dân đã xây dựng 06 mô hình cho 139 hộ tại tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Bình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Tiểu Dự án 2, dự án 3 Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 380 người là cán bộ Hội, cán bộ làm công tác dân tộc các cấp và hội viên nông dân người DTTS./.

Minh Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực