Nổi bật là các chính sách về học bổng, hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí, chính sách nội trú cho học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người.
Theo số liệu báo cáo của Uỷ ban Dân tộc, hàng năm, tổng kinh phí thực hiện các chính sách đối với trẻ em, học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi ước khoảng 9.219 tỷ đồng; kinh phí thực hiện chính sách đối với sinh viên dân tộc thiểu số ước khoảng 1.486 tỷ đồng. Hiện có 400.485 học sinh, sinh viên đang vay vốn chính sách tín dụng ưu đãi với dư nợ trên 11 nghìn tỷ đồng để phục vụ học tập.
Riêng đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số rất ít người, từ 2017 - 2020, đã có 15.384 lượt trẻ mầm non, gần 33 nghìn lượt học sinh các cấp học phổ thông, 708 học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp được hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP.
|
Học sinh Trường Dự bị đại học dân tộc Trung ương |
Chính sách ưu tiên cử tuyển, tuyển thẳng, tuyển sinh dự bị đại học và đại học đối với sinh viên người dân tộc thiểu số được chú trọng. Tính đến nay, 53 dân tộc thiểu số đều đã có học sinh, sinh viên cử tuyển. Một số dân tộc thiểu số có số học sinh cử tuyển khá đông như: dân tộc Thái chiếm 15,17%, Khmer chiếm 12,46%, Tày chiếm 9,59%, Mông chiếm 8,04%, Dao chiếm 5,58%. Một số dân tộc có tỷ lệ cử tuyển khá ổn định như dân tộc Bru-Vân Kiều, Chăm, Kháng, Pà Thẻn, Tà Ôi, Xinh Mun.
Một số dân tộc thiểu số trước đây rất khó khăn về nguồn tuyển sinh cử tuyển như dân tộc Co, Mảng, Rơ Măm, Cơ Lao, Giẻ Triêng, Cống, Pà Thẻn, Lô Lô, La Hủ, Brâu, Lự... nay đã có người học cử tuyển.
Việc thực hiện chính sách cử tuyển cũng như sắp xếp, bố trí việc làm cho sinh viên hệ cử tuyển đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc thực hiện đào tạo theo chế độ cử tuyển cũng giúp các địa phương đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn./.