Trong hai năm 2021, 2022, các bộ, ngành chức năng đã ban hành một số quyết định và kế hoạch liên quan đến tuyên truyền, phát huy, bảo tồn văn hóa vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN).
Thực hiện chính sách của Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương đã đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở; quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hoá; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các DTTS; phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu; thông tin, tuyên truyền nhằm giảm thiểu, xoá bỏ tình trạng tảo hôn, chấm dứt sớm hôn nhân cận huyết thống, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình tại vùng đồng bào DTTS&MN. Quan tâm phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS.
|
Trình diễn điệu múa bát của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Bắc Kạn tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ảnh: Trần Quỳnh) |
Các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa chào mừng các ngày lễ, hội, Tết của đồng bào dân tộc. Chẳng hạn như Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III tại tỉnh Điện Biên; Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao lần thứ II tại tỉnh Thái Nguyên; Ngày hội Văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại Sóc Trăng, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV tại Phú Thọ.
Tổ chức Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ I tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội; Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực 5 Trường Sơn - Tây Nguyên lần thứ III năm 2022 tại tỉnh Kon Tum; Hội thi Bánh dân gian trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX tại thành phố Cần Thơ…
Các sự kiện thường niên và các hoạt động chuyên đề được tổ chức hàng tháng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng đã góp phần bảo tồn, phát huy giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS.
Tổ chức Hội nghị gặp mặt nghệ nhân và những người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS khu vực phía Bắc, Hội nghị tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS tiêu biểu, xuất sắc, trao 34 suất học bổng Quỹ Vừ A Dính cho học sinh, sinh viên tiêu biểu của 26 cơ sở đào tạo thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch...
Tổ chức 08 lớp tập huấn dạy về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS, kỹ năng phục vụ khách du lịch tại khu vực miền núi phía Bắc; xây dựng các mô hình bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch đối với dân tộc Mông tỉnh Hà Giang và Lào Cai; bảo tồn, phát huy gia trị nghệ thuật âm nhạc, văn hóa truyền thống dân tộc Khmer, Thái, Tày - Nùng, Kháng; triển khai các mô hình giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, mô hình câu lạc bộ dân ca, dân vũ, mô hình bảo tồn phát huy trò chơi vận động dân gian... gắn với phát triển du lịch.
Bên cạnh công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, các thiết chế văn hóa trong vùng dân tộc được quan tâm đầu tư xây dựng, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Các Đoàn nghệ thuật dân tộc xây dựng nhiều chương trình biểu diễn phục vụ đồng bào.
Trong năm 2022, có 24 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” cho 65 cá nhân và danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho 563 cá nhân đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có nhiều cá nhân là đồng bào DTTS./.