Tôn trọng và đảm bảo quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số

Thứ hai, 02/10/2023 10:30
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới.

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 53 dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc thiểu số mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo, từ ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội, kiến trúc, trang phục cho đến các tập tục, phong tục, và cách sống. Những yếu tố này tạo nên sự phong phú và đa dạng trong bức tranh văn hóa chung của đất nước đồng thời cung cấp tính độc đáo, giá trị đặc trưng cho văn hóa quốc gia. Vì vậy, phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng đối với văn hóa chung của đất nước.

Đảm bảo quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số giúp xây dựng một xã hội đa văn hóa và tôn trọng sự đa dạng; đồng thời tạo điều kiện cho giao lưu, hòa nhập, và hiểu biết giữa các dân tộc trong đất nước, góp phần thúc đẩy đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đảm bảo quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số giúp xây dựng một xã hội đa văn hóa và tôn trọng sự đa dạng (Trong ảnh: Phụ nữ dân tộc thiểu số xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên biểu diễn một tiết mục văn nghệ) - Ảnh: CTV 

Những năm qua, Nhà nước đã đầu tư xây dựng và nâng cấp các thiết chế văn hóa, tổ chức các sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và giải trí, gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc mình, tạo cơ hội kinh doanh và quảng bá du lịch cho các vùng dân tộc thiểu số.

Đến nay, đã có hơn 80 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các dân tộc: Ê-đê, Mường, Thái, Tày, Vân Kiều, Cơ Tu, Mông, Nùng, Dao, Ba Na, Chứt, Khmer, X’tiêng, Khơ Mú, Lào, Giáy, Lô Lô, Co, Mạ, Bố Y, Pà Thẻn, Ơ Đu, Rơ Măm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc.

Hơn 30 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn gắn với phát triển du lịch.

Xây dựng 14 mô hình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm khai thác tiềm năng từ văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc, từ đó nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hóa du lịch, điểm văn hóa du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo cho địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

 Văn nghệ của phụ nữ dân tộc thiểu số bản Huổi Phúc, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên

Hiện nay, có một số mô hình tiêu biểu gắn văn hóa với phát triển du lịch như: Bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống của dân tộc Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; mô hình bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Pà Thẻn, Phù Lá, La Ha, Si La gắn với phát triển du lịch tại các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang; mô hình câu lạc bộ hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu gắn với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc…

Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa với nội dung phong phú, đặc sắc của 54 dân tộc thuộc 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 22 lễ hội là điểm nhấn góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời quảng bá hình ảnh Làng với nhân dân trong nước và quốc tế.

Những kết quả nổi bật này đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới, tạo ra một môi trường thuận lợi cho bảo tồn và phát triển văn hóa đặc trưng của từng dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và tạo sự đoàn kết trong xã hội.

Người Mông ở Bắc Hà, tỉnh Lào Cai vui hội Gầu Tào 

Nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng, một trong những dấu ấn quan trọng nhất là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể và Nghị quyết số 120/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 -2025.

Trong Chương trình có Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, nhằm phát huy vai trò của văn hóa các dân tộc thiểu số đóng góp chung vào sự phát triển bền vững đất nước.

Các văn bản này thể hiện sự tôn trọng, đảm bảo và thúc đẩy các quyền về văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số được ghi nhận trong các Công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc mà Việt Nam là thành viên./.

Thu Trang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực