Trên 1,4 triệu hộ dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn vay ưu đãi

Thứ bảy, 04/11/2023 07:44
(ĐCSVN) - Các chương trình cho vay đối với hộ dân tộc thiểu số nghèo về nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường… mang ý nghĩa thiết thực, góp phần đảm bảo và thúc đẩy thực hiện các quyền văn hoá, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2023, dư nợ cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 107.972 tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng dư nợ, với trên 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ đối với đối tượng vay vốn hộ dân tộc thiểu số đạt 72.421 tỷ đồng, với trên 1,4 triệu hộ còn dư nợ, chiếm 24,6% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Dư nợ bình quân một hộ dân tộc thiểu số đạt trên 50 triệu đồng (bình quân chung toàn quốc là 45,3 triệu đồng).

Giải ngân vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tại xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang 

Tại khu vực miền núi phía Bắc, dư nợ đối tượng vay vốn hộ dân tộc thiểu số  đạt trên 44.008 tỷ đồng, với trên 801 ngàn khách hàng còn dư nợ.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, dư nợ đối với đối tượng vay vốn hộ dân tộc thiểu số đạt trên 25.175 tỷ đồng, với hơn 516 nghìn khách hàng còn dư nợ.

Tại khu vực phía Nam, dư nợ đối tượng vay vốn hộ dân tộc thiểu số  đạt trên 5.225 tỷ đồng, với trên 165 ngàn khách hàng còn dư nợ.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ việc làm cho 1.751 nghìn lao động, giúp gần 13 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 129 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân cho gần 88 nghìn hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính, thiết bị học tập; giúp hơn 1,5 nghìn doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, trả lương cho gần 537 nghìn người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; xây dựng gần 3,5 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh, xây dựng hơn 3,2 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, gần 21 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp.

Những con số trên là kết quả của quá trình thực hiện chủ trương chú trọng ưu tiên nguồn lực cho vùng dân tộc thiểu số, thông qua việc tập trung cho vay những chương trình có hiệu quả cao và thiết thực với đồng bào như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo để phát triển sản xuất. Các chương trình cho vay này đã góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế đáng kể việc tái nghèo - theo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội còn tích cực cho vay hộ gia đình và thương nhân sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để thúc đẩy sản xuất, thương mại, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương theo hướng sản xuất gắn với thị trường.

Các chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường… mang ý nghĩa thiết thực, góp phần đảm bảo và thúc đẩy thực hiện các quyền xã hội, văn hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến 31/5/2023, doanh số cho vay đạt trên 1.387 tỷ đồng, với gần 28 nghìn lượt khách hàng được vay vốn.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã trực tiếp góp phần thực hiện 2/10 dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước; tạo chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi./.

Phương Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực