Tham gia Công ước quốc tế xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) nghĩa là Việt Nam cam kết sẽ cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc.
Một trong những quyền được ghi nhận trong Công ước CERD mà các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy thực hiện, đó là những quyền về chính trị, đặc biệt là quyền về bầu cử - được đi bầu và được ứng cử trên cơ sở phổ thông đầu phiếu, quyền được tham gia vào chính phủ cũng như các hoạt động công cộng khác ở mọi cấp.
|
Tập huấn cho nữ ứng viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh minh họa). |
Thực hiện Công ước CERD, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số. Thông qua thực hiện chính sách đối với cán bộ tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số hiện chiếm khoảng 14,5%; trong đó, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp chiếm 17,2%.
Quốc hội khóa XV có 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm 17,8%. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 13 đồng chí là người dân tộc thiểu số, chiếm 6,5%.
Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025: Cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số đạt 11,7%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,8%; Ủy viên ban thường vụ đạt tỷ lệ 11,8%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,5%; bí thư cấp ủy người dân tộc thiểu số là 6 đồng chí, đạt 9,2%, cao hơn nhiệm kỳ trước 1,5%./.