Hiện nay, theo thống kê, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) và 97 luật, bộ luật, với gần 300 điều có liên quan đến công tác dân tộc.
Có 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có 136 chính sách dân tộc (là các chương trình, chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoặc các chương trình, chính sách áp dụng chung cho cả nước nhưng có nội dung ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi).
|
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An được tập huấn cung cấp kiến thức, thông tin về công tác dân tộc, chính sách dân tộc |
Phân theo lĩnh vực kinh tế - xã hội gồm 9 nhóm chính sách:
- Chính sách phát triển kinh tế bền vững có 52 chính sách dân tộc, trong đó có 8 chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
- Chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm có 25 chính sách dân tộc, trong đó có 13 chính sách dành riêng cho đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
- Chính sách y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có 9 chính sách dân tộc, trong đó có 01 chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
- Chính sách văn hoá, thể thao, du lịch có 9 chính sách dân tộc, trong đó có 01 chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
- Chính sách thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý có 10 chính sách dân tộc, trong đó có 4 chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
- Chính sách về bình đẳng giới, trẻ em có 05 chính sách dân tộc, trong đó có 02 chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
- Chính sách đối với tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có uy tín có 20 chính sách dân tộc, trong đó có 9 chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
- Chính sách hợp tác quốc tế về công tác dân tộc có 01 chính sách dân tộc dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi;
- Chính sách quốc phòng, an ninh có 3 chính sách dân tộc, trong đó không có chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Uỷ ban Dân tộc chủ trì, chỉ đạo 25 chính sách; các bộ, ngành khác chủ trì, chỉ đạo 111 chính sách.
Phân theo phạm vi đối tượng chính sách có 38 chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 98 chính sách áp dụng chung cả nước nhưng có nội dung ưu tiên hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đáng chú ý là bên cạnh tiếp tục thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Quốc hội Khoá XIV đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án tổng thể; Quốc hội khoá XV ban hành Nghị quyết số 120 phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025, với 10 dự án thành phần nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, được xây dựng trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung, tích hợp nhiều nội dung chương trình, dự án, chính sách; là sự kiện nổi bật, trọng đại, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác dân tộc, bởi lần đầu tiên ở nước ta có một chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số, miền núi.