Việt Nam quan tâm giáo dục dân tộc

Thứ bảy, 16/09/2023 13:07
(ĐCSVN) - Thời gian qua, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam luôn quan tâm đến giáo dục dân tộc, đảm bảo quyền được học tập của người dân tộc thiểu số.

Ở Việt Nam, các nội dung giáo dục đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) được thực hiện lồng ghép theo chương trình giáo dục chung của quốc gia.

Các địa phương vùng DTTS&MN luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động học sinh DTTS không bỏ học, đặc biệt là sau các dịp lễ, Tết, sau kỳ nghỉ hè...

Học sinh mầm non bản Nậm Đích, xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên (Ảnh: CTV) 

Trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động tổ chức thi tốt nghiệp THPT và khai giảng năm học mới được các địa phương tổ chức với hình thức phù hợp, an toàn trước của dịch bệnh COVID-19. Nhiều địa phương tổ chức khai giảng năm học mới thông qua truyền hình trực tiếp hoặc trực tuyến.

Năm 2021, vùng DTTS&MN có 21 tỉnh học trực tiếp, còn lại tổ chức học trực tuyến và học qua truyền hình nên có nhiều khó khăn đối với ngành Giáo dục các địa phương (khả năng thích ứng của học sinh, nhất là bậc tiểu học còn hạn chế, thiếu thiết bị, đường truyền internet yếu, chưa ổn định...).

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chung tay, góp sức hỗ trợ “sóng và máy tính cho em”, nhiều địa phương đã triển khai, hỗ trợ máy tính cho con em có hoàn cảnh khó khăn, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí, thiết bị học tập, đảm bảo quyền được học tập của học sinh, trong đó có rất nhiều học sinh dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”; đào tạo và rà soát, phê duyệt chỉ tiêu chế độ cử tuyển; kiểm tra công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đánh giá, công nhận mức độ trường đạt chuẩn quốc gia; quan tâm công tác dạy học tiếng DTTS.

Chẳng hạn, tỉnh Trà Vinh đã ban hành hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học môn tiếng Khmer năm học 2021-2022; tổ chức kỳ thi công nhận trình độ cấp tiểu học và THCS môn tiếng Khmer tại một số trường dân tộc nội trú.

Tỉnh Sóc Trăng tổ chức thi cuối khóa lớp căn bản 03, 04, 05 tiếng Khmer; triển khai Thông tư số 32/2021/TT-BGDĐT ngày 22/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ; tổ chức kiểm tra nghiệm thu tiếng Khmer lớp 9 và lớp 12.

Tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch công tác kiểm tra, theo dõi việc tổ chức dạy, học chữ Khmer trong dịp hè năm 2022.

Tỉnh An Giang đang lấy ý kiến hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người dạy và thiết bị dạy, học tiếng nói, chữ viết của học sinh dân tộc Khmer, Chăm vào dịp hè.

Tỉnh Vĩnh Long ban hành công văn về việc triển khai thực hiện Quyết định số 142/QĐ-TTg, ngày 27/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030 (Công văn số 647/UBND-VHXH ngày 11/02/2022).

Các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trong vùng DTTS&MN còn đẩy mạnh tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên; hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với sinh viên, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Hoạt động chăm lo hỗ trợ, tặng quà, học bổng có ý nghĩa thiết thực giúp học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi, trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, trong đó có con em DTTS nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của đồng bào Khmer, tháng chay Ramadan của đồng bào Chăm (Islam) và ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) được quan tâm.

Minh Khang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực