Việt Nam tích cực nội luật hoá các quy định về quyền của người dân tộc thiểu số

Thứ ba, 26/09/2023 07:14
(ĐCSVN) - Nhằm đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số, Việt Nam đã tích cực nội luật hoá các quy định, nguyên tắc về quyền con người trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là quốc gia thành viên, phù hợp với điều kiện về chính trị, kinh tế, truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc.

Mục tiêu của việc nội luật hoá là đảm bảo sự tiến bộ thực sự về nhân quyền cho người dân tộc thiểu số (DTTS), không phân biệt chủng tộc, dân tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, chính kiến, nguồn gốc xuất thân…

Là thành viên của Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp để phù hợp với yêu cầu của Công ước, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung luật pháp, chính sách về dân tộc; thực hiện nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển vùng DTTS và miền núi.

Được tham gia bình đẳng vào các hoạt động văn hóa là một quyền của người dân tộc thiểu số đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (Trong ảnh: Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình) - Ảnh: CTV

Tính đến thời điểm hiện nay, từ 30 văn bản thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã thể chế thành hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến công tác dân tộc trên hầu hết các lĩnh vực đời sống của đồng bào DTTS; được thể hiện thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, 99 Bộ luật, Luật có 296 Điều liên quan đến công tác dân tộc.

Đến hết năm 2022, có 188 văn bản chính sách do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đối với vùng DTTS&MN và người DTTS còn hiệu lực (gồm 79 Nghị định của Chính phủ, 04 Nghị quyết của Chính phủ, 104 Quyết định và 01 Chỉ thị của Thủ tướng  Chính phủ. Trong đó, Ủy ban Dân tộc tham mưu 26 văn bản và các Bộ, ngành liên quan tham mưu 162 văn bản).

Hệ thống các văn bản chính sách gồm: 52 văn bản chính sách mang tính chỉ đạo, định hướng, chiến lược vùng DTTS&MN và 136 văn bản chính sách có nội dung liên quan, ưu tiên vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), bao gồm: 39 văn bản chính sách trực tiếp cho vùng DTTS&MN và người DTTS.

Lĩnh vực phát triển kinh tế được chú trọng với văn bản chính sách được ban hành nhiều nhất, 52 văn bản; lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm 25 văn bản chính sách; lĩnh vực về cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, thanh niên có 20 văn bản chính sách...

Riêng  giai đoạn 2021 - 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 36 văn bản chính sách thực hiện tại vùng DTTS&MN, trong đó có 6 chính sách thực hiện trực tiếp cho người DTTS và vùng DTTS&MN.

Hệ thống các chính sách dân tộc nói riêng, chính sách thực hiện tại vùng DTTS&MN nói chung hiện nay cơ bản đã bao phủ khá toàn diện các lĩnh vực đời sống, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng an ninh tại vùng DTTS&MN.

Nhiều chính sách có mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh 02 Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, lần đầu tiên nước ta có Chương trình MTQG dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, coi đây là quyết sách lớn nhằm ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng, tinh thần tự lực của đồng bào DTTS./.

Thái Hoà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực