Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do thông tin của người dân tộc thiểu số

Thứ ba, 26/09/2023 10:26
(ĐCSVN) - Việt Nam luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, tự do internet nói chung và mạng xã hội nói riêng.

Theo kết quả khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Data Reportal (Singapore), trong số 10 quốc gia có lượng người dùng Facebook, TikTok và Youtube nhiều nhất thế giới, thì Việt Nam lần lượt xếp vị trí thứ 6, 7 và 9.

Cụ thể, Việt Nam có 66,2 triệu người dùng Facebook, 50,6 triệu người dùng TikTok; khoảng 63 triệu người dùng YouTube.

Theo các tổ chức GWI và data.ai, sự phổ biến của mạng xã hội ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục gia tăng mà không có dấu hiệu chững lại.

Các mạng xã hội mặc dù có tên gọi, một số tính năng hoạt động, cách sử dụng khác nhau nhưng có chung những đặc điểm như sau: Người dùng phải tạo hồ sơ, có tài khoản riêng. Nhiều người dùng liên kết với nhau thông qua tên gọi, địa chỉ email, nickname… Các mạng xã hội sẽ kết nối tài khoản người dùng đến các tài khoản cá nhân, tổ chức… Nội dung đăng tải, chia sẻ ở các mạng xã hội là do người dùng tự quyết định về hình ảnh, câu từ…

Các đại biểu sử dụng điện thoại thông minh đăng nhập tài khoản mạng xã hội để trả lời khảo sát của Ban Tổ chức Hội thảo tham vấn nghiên cứu và phân tích các cơ hội phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp dân tộc thiểu số (Ảnh: Phương Liên) 

Cùng với sự phát triển của đất nước, cơ hội tiếp cận thông tin của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta ngày càng được mở rộng, với tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng internet đạt 61,3%, tăng hơn 9 lần so với năm 2015 - theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

So sánh tỷ lệ hộ sử dụng Internet theo vùng kinh tế - xã hội cho thấy, tỷ lệ này cao nhất thuộc về vùng Đông Nam Bộ (78,3%) và thấp nhất thuộc về vùng Tây Nguyên (46,1%). Trong số 53 dân tộc thiểu số, dân tộc Hoa có tỷ lệ hộ sử dụng Internet cao nhất (83,7%), tiếp  đến là dân tộc Ngái (81,9%) và thấp nhất là dân tộc La Hủ (10,2%).

Nếu như năm 2015, chưa có hộ nào thuộc dân tộc Rơ Măm và Brâu sử dụng Internet thì đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng Internet của hai dân tộc này đã đạt lần lượt là 30,8% và 15,1%. Sự cải thiện về tỷ lệ hộ sử dụng Internet cho thấy cơ hội tiếp cận thông tin của các hộ dân tộc thiểu số đã được mở rộng; đồng thời cung cấp môi trường thuận lợi cho họ sử dụng mạng xã hội.

Mạng xã hội có thể sử dụng thuận tiện ở bất kỳ đâu, miễn là có thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, ipad, laptop hoặc trên máy tính bàn có kết nối mạng.

Mạng xã hội tạo ra không gian mở, cho phép kết nối rộng rãi. Thông qua mạng xã hội, người dân Việt Nam nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh, clip, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về các vấn đề của đời sống xã hội cũng như bảo vệ ý kiến của mình.

Những con số trên cho thấy, Việt Nam luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, tự do internet nói chung và mạng xã hội nói riêng.

Điều này đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, được cụ thể hóa trong nhiều luật, nghị định cùng nhiều văn bản pháp luật khác và được biểu hiện sinh động trên thực tế.

Trong Kế hoạch hành động Cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu “Tăng số lượng tài khoản người dùng mạng xã hội Việt Nam từ 90 triệu tài khoản lên 120 triệu tài khoản”./.

Hoàng Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực