Độc đáo tuyên truyền bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua hát bài Chòi

Thứ sáu, 18/08/2023 16:25
(ĐCSVN) - Song song với các hình thức tuyên truyền truyền thống, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam đã sáng tạo thay đổi hình thức tuyên truyền để phù hợp với tình hình thưc tế, áp dụng các hình thức truyền thông hiện đại. Đưa bài Chòi vào tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện là cách làm mới được đơn vị này sử dụng để lan tỏa chính sách an sinh xã hội đến người dân, người lao động trên địa bàn tỉnh.

Hát bài chòi là loại hình nghệ thuật đặc sắc của người dân xứ Quảng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Nhằm đổi mới các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam tổ chức tuyên truyền đến tận cơ sở thông qua hình thức hô hát bài Chòi. Đây là hình thức tuyên truyền rất mới trên cả nước, BHXH Quảng Nam lần đầu áp dụng, nhằm lan tỏa chính sách đến người dân, người lao động trên địa bàn tỉnh.

Một buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện thông qua hình thức hát bài Chòi.

Bà Đỗ Thị Bích Hoa, Trưởng phòng truyền thông - BHXH Quảng Nam cho biết, ý tưởng "Bài Chòi tuyên truyền BHXH tự nguyện" xuất phát từ việc kết hợp hình thức văn hóa dân gian của địa phương và nội dung tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tạo nên hình thức tuyên truyền mới, dễ lôi cuốn, thu hút nhiều người dân quan tâm.

"Đối tượng được tuyên truyền thông qua hình thức văn nghệ dân gian mộc mạc, gần gũi này phần lớn là người dân, người lao động tự do. Tham dự buổi tuyên truyền người dân vừa được thưởng thức văn hóa tinh thần vừa được tìm hiểu về chính sách an sinh xã hội", bà Hoa cho hay.

Theo bà Hoa, hình thức tuyên truyền bài chòi được BHXH tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm văn hóa tỉnh thực hiện, đã và đang được triển khai dưới nhiều hình thức tuyên truyền tại cơ sở thông qua tổ chức biểu diễn tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Mỗi buổi tuyên truyền tại cơ sở khoảng 60 phút gồm 3 nội dung: các bài hát về ngành và 1 bài hát do địa phương nơi tổ chức tuyên truyền tham gia, Mini Game tìm hiểu về BHXH tự nguyện và phần chính là hô hát bài chòi về BHXH tự nguyện.

Thông qua loại hình nghệ thuật dân gian hô hát Bài chòi, với những giai điệu, lời hát vui nhộn, các thẻ bài của trò chơi truyền thống, kết hợp hình thức hỏi đáp, Ban tổ chức đã truyền tải các thông điệp đến người dân như “Tham gia BHXH là đầu tư cho tương lai”; “BHXH giúp bạn giảm bớt khó khăn về tài chính khi gặp rủi ro trong cuộc sống”, “Tham gia BHXH là bảo vệ cuộc sống của mỗi gia đình”, “Hướng tới mục tiêu thực hiện Bảo hiểm Xã hội  toàn dân là góp phần xây dựng sự nghiệp an sinh bền vững”… được truyền tải đến người dân theo cách gần gũi và dễ hiểu nhất.

Chính nhờ có sự kết hợp với Trung tâm văn hóa địa phương nên mỗi đêm tổ chức biểu diễn thu hút rất nhiều người xem trực tiếp. Đặc biệt, khi được tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở, hình thức này có sự tương tác qua lại với đối tượng được tuyên truyền nên hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh Quảng Nam chia sẻ, hô hát bài chòi là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người dân xứ Quảng. Người dân nơi đây luôn xem hình thức nghệ thuật này là món ăn tinh thần không thể thiếu trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

"Ngay khi ngành bảo hiểm xã hội tỉnh đề xuất thực hiện ý tưởng sử dụng Bài Chòi vào tuyên truyền chính sách, chúng tôi khá lo lắng, trăn trở nhưng đầy quyết tâm thực hiện bởi đây là cách vừa bảo tồn di sản vừa gắn với tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước và mục đích cuối cùng là hướng về người dân. Chúng tôi sẽ phát huy cách truyền thông này một cách hiệu quả hơn và nếu được thì nhân rộng ra một số tỉnh miền Trung", bà Hương thông tin.

Đạo diễn Lê Công Danh, Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Nam, người viết kịch bản hát bài chòi tuyên truyền về BHXH, BHYT cho biết, ông phải dành thời gian 2 tháng nghiên cứu chính sách để xây dựng kịch bản giúp người dân dễ nhớ, dễ hiểu.

“Bài chòi vốn là truyền thống của người Quảng Nam có từ bao đời rồi. Rất may là hát bài chòi không bị mai một mà vẫn mãi mãi ở trong lòng của người dân Quảng Nam. Chính vì thế, khi ta chuyển tải từ chính sách khô cứng của BHXH, ta phải chuyển tải và dựa vào làn điệu có sẵn trong tổng hợp dân ca bài chòi Quảng Nam, để rồi ta vận dụng lồng vào đó. Khi bà con đã thích xem bài chòi rồi, người ta sẽ dễ nghe và luôn luôn đồng hành với mình trong mọi chương trình” - Đạo diễn Lê Công Danh cho biết.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh hình thức tuyên truyền chính sách an sinh xã hội qua loại hình nghệ thuật di sản. 

Ông Nguyễn Thanh Danh, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian gần đây, do thay đổi chính sách BHXH liên quan đến tiêu chí chuẩn nghèo, ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế khó khăn nên việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện gặp nhiều thách thức. Tính đến hết tháng 7/2023, toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 210 nghìn người, trong đó có gần 191 nghìn người tham gia tham gia BHXH bắt buộc, gần 20 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, đạt hơn 74% kế hoạch.

Với hình thức tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT thông qua nghệ thuật truyền thống của địa phương,  đã mang lại hiệu quả thiết thức, giúp người dân hiểu hơn về ý nghĩa nhân văn của các chính sách an sinh xã hội. Đây cũng là kênh truyền thông sinh động, phong phú với mục đích chính là hướng đến người dân, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Ngoài tổ chức những buổi biểu diễn trực tiếp phục vụ người dân ở cơ sở, BHXH Quảng Nam còn ghi hình, ghi âm phát trên các phương tiện truyền thông trên không gian mạng, đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn. Hình thức đêm hội bài chòi, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện đã được ngành BHXH Việt Nam công nhận là sáng kiến cấp ngành.

"Năm 2018, nghệ thuật hát bài chòi của Trung Trung Bộ được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chúng tôi càng nhận thức sâu hơn về tầm ảnh hưởng của nghệ thuật hát bài chòi tới đời sống nhân dân. Vì vậy chúng tôi cho rằng đây là cơ hội lớn để chúng ta chuyển tải nội dung chính sách BHXH, BHYT vào nghệ thuật hô hát bài chòi. Trước hết là chúng tôi cũng làm mới lại nội dung nghệ thuật hát bài chòi và cũng sẽ làm nhiều kịch bản với nhiều cách thức khác nhau, linh hoạt hơn các hình thức để chúng ta có thể hô hát bài chòi tuyên truyền về BHXH, BHYT” - ông Danh cho biết thêm.

Có thể khẳng định, hình thức hô hát bài Chòi để lan tỏa chính sách BHXH, BHYT đến người dân, người lao động của tỉnh Quảng Nam là hình thức mới, độc đáo và hiệu quả.

Thời gian tới, BHXH tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, trong đó trọng tâm là chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhằm duy trì và phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn./.

 

 

Bài, ảnh: Hoàng Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực