Quảng Ninh: Phát huy giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số

Thứ ba, 09/01/2024 19:29
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Quảng Ninh. Xác định làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) chính là góp phần quan trọng để gìn giữ, bảo tồn văn hóa đặc sắc của đồng bào.
Lễ rước bài vị thần tại Lễ hội đình Lục Nà, xã Lục Hồn (Bình Liêu) năm 2023. Ảnh: Hà Phong 

Đa dạng, độc đáo những sắc màu văn hóa

Đồng bào DTTS ở Quảng Ninh có hơn 16,2 vạn người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, với 42 thành phần dân tộc anh em cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh là các địa bàn có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh.

Trong những năm qua, đặc biệt cụ thể hóa Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã tập trung thực hiện công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý nhà nước về lễ hội, trong đó chú trọng việc phục dựng các lễ hội truyền thống, bảo tồn lễ hội đồng bào các dân tộc thiểu số.

Được phục dựng từ năm 2006, lễ hội đình Lục Nà (Bình Liêu) tổ chức vào 2 ngày 16 và 17 tháng Giêng hằng năm đến nay đã trở thành điểm hẹn văn hóa đầu xuân với nhiều hoạt động văn hóa dân gian truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện. Đây cũng là lễ hội đình duy nhất ở Bình Liêu, vì vậy ngoài phần hội, phần lễ đã trở thành dấu ấn văn hóa đặc trưng. Theo đó, phần lễ tổ chức rước sắc phong từ sân đình đi quanh thôn Bản Cáu, trở lại sân đình, gióng trống khai hội và tổ chức lễ tế thần.

Thông qua các hoạt động tại lễ hội đình Lục Nà, mọi người được trải nghiệm một không gian văn hóa đặc sắc để hiểu thêm về vùng đất, phong tục, nét văn hóa của Bình Liêu. Một nét rất đặc sắc của lễ hội phải kể đến sau phần tế lễ, bà con trải chiếu ngay tại sân đình để cùng nhau thụ lộc và kể cho nhau nghe những câu chuyện về Thành hoàng Hoàng Cần - người anh hùng của quê hương với niềm tự hào giản dị mà chân thành.

Không riêng lễ hội đình Lục Nà, nhiều lễ hội của đồng bào DTTS Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu... trên địa bàn tỉnh đã được phục dựng thành công, bài bản, đảm bảo đúng bản sắc truyền thống. Nổi bật, Ngày Kiêng gió của đồng bào Dao Thanh Phán, Hội Soóng Cọ của dân tộc Sán Chỉ (Bình Liêu); lễ hội Đại Phan của người Sán Dìu ở xã Bình Dân (Vân Đồn); Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực, Lễ hội Đồng Đình - Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Tày, xã Phong Dụ (Tiên Yên); lễ hội Bàn Vương của người Dao (Ba Chẽ)... Mỗi lễ hội, ngày hội của mỗi dân tộc có cách tổ chức khác nhau song hầu hết đều bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ của nhân dân tới những vị anh hùng đã có công với quê hương; tái hiện những tập quán, nét đẹp trong đời sống sinh hoạt, sản xuất hay gửi gắm mong ước về cuộc sống no ấm, bình an...

Trong các lễ hội, cùng với thực hiện đầy đủ các nghi lễ truyền thống, các hoạt động văn nghệ (hát Then của người Tày, hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, hát Pả dung của người Dao...), hoạt động thể thao, trò chơi dân gian (kéo co, tung còn, bắn nỏ, đánh quay, đẩy gậy...) cũng được tổ chức sôi nổi, vui tươi tạo không gian sinh hoạt, giao lưu văn hóa cho nhân dân. Cùng với đó, các địa phương đều quan tâm công tác phục dựng, tái hiện các nghi thức, nghi lễ truyền thống đặc trưng gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, tín ngưỡng của các dân tộc như: Lễ cấp sắc của dân tộc Dao, lễ mừng cơm mới, lễ thôi nôi của dân tộc Tày, lễ rước dâu của dân tộc Dao, Sán Chỉ... Qua đó, vừa góp phần lưu truyền, gìn giữ bản sắc văn hóa cho thế hệ sau vừa quảng bá, giới thiệu văn hóa đến bạn bè bốn phương.

Gìn giữ bản sắc

Nghi thức cầu may của người Sán Chỉ ở Đập Thánh Thìn (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) tại Hội Soóng Cọ năm 2023. Ảnh: Phạm Học 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mở rộng giao lưu văn hóa và phát triển du lịch của nước ta, việc bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống của các DTTS có một ý nghĩa rất quan trọng. Một mặt góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác nó trở thành yếu tố độc đáo có sức cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Vì vậy, các địa phương đã vào cuộc tích cực, đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa DTTS nói chung và các lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào nói riêng.

Tiêu biểu như: Huyện ủy, UBND huyện Ba Chẽ đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”.

Huyện Tiên Yên đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 9/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện “Về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa huyện Tiên Yên giai đoạn 2022-2025” và các đề án như: Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa huyện Tiên Yên giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Pạc Sủi, xã Yên Than đến năm 2025, định hướng 2030”; “Xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ”...

Huyện Bình Liêu cũng đã hoàn thành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đang hoàn thiện đề cương Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Cùng với đó, các địa phương cũng ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa tạo không gian sinh hoạt văn hóa cho nhân dân. Tiêu biểu như: Khu bảo tồn văn hóa người Dao ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long), Nhà văn hóa xã Đại Dực, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Tày ở thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ (Tiên Yên), Nhà văn hóa xã Lục Hồn, Đồng Tâm (Bình Liêu)...

Tin tưởng với những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa từ các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục góp phần lan tỏa, giới thiệu, quảng bá sâu rộng về hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người Quảng Ninh, không ngừng khơi dậy nét đẹp trong đời sống văn hóa cộng đồng, chung tay gìn giữ trọn vẹn bản sắc văn hóa Quảng Ninh trong tiến trình hội nhập và phát triển./.

Nguyễn Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực