Phát hiện và điều trị thành công nhiều ca bệnh khó cho người dân

Thứ năm, 22/02/2024 11:17
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại y tế cơ sở, ngành y tế địa phương đã kịp thời phát hiện và điều trị thành công nhiều ca bệnh khó cho người dân như: Nối vi phẫu toàn bộ da đầu cho người bị tai nạn lao động; cứu sống người dân bị kéo đâm xuyên cổ…
Bệnh viện tiếp nhận chị K.O (28 tuổi, ngụ tại tỉnh Tây Ninh) trong tình trạng bị tróc toàn bộ da đầu. Ảnh: Kim Dung 

 Bắc Giang nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại y tế cơ sở

 Theo Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hương, thời gian tới tỉnh quan tâm củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu. Mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 99% dân số; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.

Từ nay đến năm 2030, Bắc Giang thực hiện sắp xếp lại Trung tâm Y tế tuyến huyện và Trạm Y tế theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Theo đó, số đơn vị y tế tuyến huyện và tương đương sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính là 11 đơn vị; số đơn vị y tế tuyến xã gồm 192 trạm y tế (8 trạm y tế phường, 17 trạm y tế thị trấn, 167 trạm y tế xã).

Giai đoạn 2024 - 2025, Bắc Giang tập trung hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng dự án đầu tư xây dựng mở rộng quy mô giường bệnh Trung tâm Y tế các huyện Lục Nam và Yên Thế; tiếp tục triển khai và hoàn thành dự án đầu tư xây dựng mở rộng quy mô giường bệnh Trung tâm Y tế huyện Sơn Động.

Bên cạnh đó, tỉnh khởi công các dự án xây mới, cải tạo, nâng cấp khoa truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế các huyện Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa, Việt Yên; tiếp tục cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Y tế các huyện, thành phố; Trung tâm Y tế các Khu công nghiệp tỉnh.

Đối với hệ thống y tế tuyến xã, Bắc Giang sẽ xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp 22 trạm y tế thuộc Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á; xây dựng, cải tạo, nâng cấp và mua sắm trang thiết bị cho 8 trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn còn lại của ngành Y tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Giai đoạn 2026 - 2030, Bắc Giang sẽ xây mới Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn (mới) quy mô 250 giường; cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô giường bệnh Trung tâm Y tế thành phố Bắc Giang cơ sở 1 (Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng hiện tại, 170 giường bệnh); xây mới cơ sở 2 Trung tâm Y tế thành phố Bắc Giang (quy mô 100 giường bệnh) tại xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang; xây mới Trung tâm Y tế các Khu công nghiệp tỉnh để phục vụ nhu cầu phòng bệnh, khám chữa bệnh cho công nhân tại các Khu công nghiệp.

Tại các cơ sở y tế tuyến xã sẽ chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; mở rộng phạm vi quản lý và điều trị ngoại trú các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; đẩy mạnh lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe cho tất cả người dân trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm y tế tuyến huyện phát triển các dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu (lâm sàng, cận lâm sàng); kết hợp khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền với y học hiện đại; tăng cường các dịch vụ chăm sóc ban đầu, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tiêm chủng, dinh dưỡng; phòng, chống HIV/AIDS; đảm bảo an toàn thực phẩm; nâng cao chất lượng dân số; thực hiện các gói dịch vụ y tế cơ bản...

 Cần Thơ: Cứu sống người đàn ông bị kéo đâm xuyên cổ

 Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phối hợp nhiều chuyên khoa thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy dị vật là chiếc kéo dài 24 cm đâm xuyên cổ (sâu khoảng 10cm) một bệnh nhân.

 Bệnh nhân nam tên L.V.H. (sinh năm 1980), địa chỉ ở tỉnh Sóc Trăng, được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ ngày 19/2 trong tình trạng vết thương vùng cổ còn dị vật là chiếc kéo kim loại dài 24 cm, kèm vết thương thấu bụng 2cm.

 Kết quả X-Quang và chụp cắt lớp vi tính ghi nhận dị vật kim loại xuyên giữa cột sống ngực. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật và thám sát vết thương tủy sống.

 Theo trình tự các bác sỹ nội soi thực quản bằng ống nội soi thấy không có tổn thương dọc theo ống thực quản qua vị trí kéo đâm xuyên từ trước vào thân sống ngực. Ekip chuyên khoa chấn thương chỉnh hình tiến hành bóc tách, thấy đầu kéo nằm sát động mạch cảnh bên trái đâm xuyên vào giữa thân đốt sống ngực, đến màng cứng, tổn thương màng cứng, rỉ ít dịch não tủy. Vết thương được các bác sỹ xử lý vi phẫu, kéo dài 2 giờ 30 phút.

 Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phối hợp nhiều
chuyên khoa thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy dị vật là
chiếc kéo dài 24 cm đâm xuyên cổ (sâu khoảng 10cm) một bệnh nhân. Ảnh: Hồng Phương

 Tiếp sau đó, ê kip Khoa Ngoại Tổng hợp thực hiện phẫu thuật mở bụng kiểm tra các cơ quan không tổn thương, lau rửa ổ bụng, tình trạng bệnh nhân ổn định được chuyển hậu phẫu theo dõi và chăm sóc ngoại khoa.

 Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, không sốt, không yếu liệt chi, đang được điều trị và chăm sóc tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình.

 Bác sỹ chuyên khoa II Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vùng cổ là nơi tập trung các bộ phận quan trọng như, các mạch máu lớn, đường thở nên tổn thương ở vùng này có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được xử trí kịp thời. Thanh quản và khí quản là cơ quan nhô ra phía trước nên dễ bị thương tổn nhất. May mắn trường hợp bệnh nhân này dị vật không xuyên qua các cơ quan quan trọng ở gần đó như, mạch máu, khí quản, thực quản…

 Đối với bệnh nhân bị chấn thương, vết thương cột sống, phương pháp sơ cứu đúng cách đặc biệt quan trọng nhằm hạn chế tối đa tổn thương hoặc để lại di chứng cho nạn nhân. Bệnh nhân được cố định vùng tổn thương, đảm bảo tư thế cột sống được thẳng theo đường sinh lý trong quá trình vận chuyển đến cơ sở y tế, tốt nhất là nằm trên mặt phẳng có cố định hai bên cột sống.

 Bác sỹ chuyên khoa II Huỳnh Thống Em đặc biệt lưu ý không được tùy tiện rút vật xuyên thấu ra khỏi vết thương tại hiện trường tai nạn hoặc ngay cả trong phòng cấp cứu, cần được đánh giá bằng các công cụ chẩn đoán hình ảnh để lường mức độ tổn thương và nguy cơ tai biến có thể xảy ra khi rút vật xuyên thấu và chỉ thực hiện lấy dị vật tại phòng mổ.

 Khi bị thương, vật đâm đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chảy máu, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, băng ép vết thương xung quanh và cố định vật đâm tốt nhất có thể, chuyển đến cơ sở y tế tuyến chuyên khoa nhanh nhất để xử trí kịp thời, đúng phương pháp.

 TP. Hồ Chí Minh: Nối vi phẫu toàn bộ da đầu cho một cô gái bị tai nạn lao động

 Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, đơn vị này vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cấp cứu nối vi phẫu (kỹ thuật khâu nối các mạch máu nhỏ) toàn bộ da đầu bị tróc cho một phụ nữ sau tai nạn lao động.

Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật ghép nối thành công cho một trường hợp bị lóc toàn bộ da đầu do tai nạn lao động.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngày 18/1, Bệnh viện tiếp nhận chị K.O (28 tuổi, ngụ tại tỉnh Tây Ninh) trong tình trạng bị tróc toàn bộ da đầu. Theo lời kể của nạn nhân, sáng cùng ngày, khi đang làm việc trong công ty, chị vô tình cúi người về phía trước thì bị lực hút của máy kéo sợi cuốn tóc khiến cho toàn bộ da đầu bị tróc rời. Sau khi tai nạn xảy ra, người bị nạn được đưa đến 2 bệnh viện sơ cấp cứu và chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong thời gian này, các đồng nghiệp đã lấy mảng da đầu bị lóc của nạn nhân bỏ vào túi nylon chứa trong thùng đá mang theo để các bác sĩ xử trí.

Thời điểm nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, nạn nhân bị lóc gần như hoàn toàn da đầu, lộ toàn bộ xương sọ, mất một phần vành tai bên trái. Kết quả chụp CT và MRI không ghi nhận tổn thương sọ và nội sọ. Tuy nhiên, do toàn bộ da đầu đã bị tróc nên nạn nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu nối vi phẫu lại mảnh da đầu bị đứt rời.

“Vì các mạch máu nuôi da đầu đã dập nát nên việc bảo tồn da đầu cho nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Trước khi vi phẫu, chúng tôi mất nhiều thời gian để xử trí mảng da đầu rời, rửa sạch, làm sạch tóc. Ca mổ kéo dài 4,5 giờ đồng hồ, ê-kíp phẫu thuật đã tìm kiếm và nối các động tĩnh mạch rất nhỏ trên da đầu dưới kính hiển vi điện tử”, bác sĩ Hiệp chia sẻ.

Sau mổ, ban đầu da đầu nạn nhân hơi tím do có sự tắc nghẽn nhẹ và được xử trí bằng thuốc kháng đông. Hậu phẫu 1 tuần, vết thương ở da đầu dần phục hồi, việc tưới máu tốt. Một tháng sau mổ, vành tai bên trái gần như được nối lại hoàn hảo, sức khỏe nạn nhân ổn định. Theo bác sĩ Hiệp, rất may mắn là bệnh nhân đã được xử trí ban đầu và sơ cấp cứu tốt, chuyển viện nhanh trong khung giờ vàng (6-8 giờ đầu sau tai nạn).

Theo thống kê, mỗi năm Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 8-10 trường hợp bị tróc da đầu. Trong đó, nhiều trường hợp ở các địa phương khác, không được sơ cứu đúng cách và đem đến bệnh viện trễ khiến việc điều trị thất bại. Các bác sĩ cảnh báo, người dân cần chú ý đến việc trang bị đồ bảo hộ, đảm bảo an toàn khi lao động, sản xuất. Đặc biệt, phụ nữ cần chú ý cố định tóc dài khi làm việc hay sinh hoạt tránh để xảy ra các tai nạn đáng tiếc./.

Khánh Thi (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực