Phúc Thọ: Đẩy mạnh phát triển các nông sản chủ lực

Chủ nhật, 03/02/2019 11:22
(ĐCSVN) - Xuôi theo Quốc lộ 32, chúng tôi đến với huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội vào một ngày giáp Tết mưa phùn, se se lạnh. Trong không khí đậm tiết Xuân ấy, Phúc Thọ như được khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ với đủ sắc màu của những vườn hoa Ly, hoa Huệ, hoa Cúc; màu xanh mơn mởn của những ruộng Rau màu, màu vàng của những vườn Bưởi…


Những ngày này ở Tam Thuấn luôn tấp nập khách đến thu mua hoa. (Ảnh: T.L)

Đổi thay từ nghề trồng hoa ly ở Tam Thuấn

Vốn có truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, những ngày này người dân huyện Phúc Thọ đang trong thời điểm sản xuất kinh doanh bận rộn nhất trong năm. Theo chân anh cán bộ xã Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ), chúng tôi được đến thăm vườn hoa của gia đình anh Đỗ Huy Nghĩa ở thôn Táo 2, xã Tam Thuấn, là một trong những hộ gia đình đầu tiên trong xã lập nghiệp bằng nghề trồng hoa Ly. Những ngày này vườn Ly của gia đình anh luôn tấp nập các thương lái từ nhiều địa phương đến thu mua. Giá hoa dao động trong những ngày trướcTết khoảng 20.000 - 30.000 đồng/cành, nhưng đến sát Tết có khi lên đến 50.000 - 60.000 đồng/cành.

Đôi tay vừa thoăn thoắt cắt tỉa từng cành Ly, anh vừa vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: Trước đây, anh từng là thợ xây, nhưng vì lòng yêu hoa và cũng muốn làm kinh tế, anh đã không quản ngại khó khăn, kiên trì học hỏi kinh nghiệm trồng hoa ở nhiều địa phương khác. Cái duyên trồng hoa đến với anh từ những năm 2012, được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông TP. Hà Nội, anh đã chuyển đổi ruộng đất, thuê thêm đất của các hộ dân trong xã để triển khai mô hình trồng hoa Ly trên tổng diện tích 1,5 mẫu, tổng kinh phí đầu tư là hơn 300 triệu đồng. Sau 4 tháng, hoa Ly cho thu hoạch, mỗi ngày anh xuất bán từ 3.000 - 5.000 cành, với giá bán trung bình từ 28.000 đến 30.000 đồng/cành, trừ chi anh thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm. Đến nay, gia đình anh đã có 7 mẫu trồng hoa các loại, nhưng nhiều nhất vẫn là hoa Ly. 

Ruộng ly của gia đình anh Nghĩa tại xã Tam Thuấn. (Ảnh: T.Q.)

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Cường, Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn cho biết, Tam Thuấn có nghề trồng hoa từ khoảng hơn 20 năm nay, nhưng đặc biệt phát triển từ 5 năm trở lại đây. Nhờ nghề trồng hoa truyền thống, đặc biệt là hoa Ly đã mang lại thu nhập cao và việc làm ổn định cho người dân trong xã. Trung bình hàng năm diện tích sản xuất hoa Ly của Tam Thuấn từ 2 - 2,5 ha, cho thu nhập lớn khoảng 180 triệu đồng/sào nhưng tùy thuộc vào thời vụ. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng hoa trên địa bàn xã là hướng đi phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã và nhu cầu của thị trường, qua đó đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp của huyện Phúc Thọ.

Võng Xuyên làm giàu từ cây hành hoa

Những năm gần đây, cơ cấu cây trồng ngành nông nghiệp của Phúc Thọ đang dần chuyển đổi theo hướng tích cực, giảm diện tích các vùng sản xuất lúa không hiệu quả sang trồng rau, hoa và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường và điều kiện tự nhiên của huyện. Chúng tôi tiếp tục đến thăm xã Võng Xuyên, là địa phương được Thành phố chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Do xác định được nhu cầu của thị trường cùng với khảo sát điều kiện ở địa phương, từ năm 2012 trở lại đây, xã Võng Xuyên đã có chủ trương khuyến khích người dân phát triển Hành lá trở thành cây trồng chủ lực.


Ruộng Hành của gia đình chị Thanh, một trong những hộ gia đình có
diện tích canh tác Hành lớn nhất xã Võng Xuyên (Ảnh: T.Q.)

Chị Tạ Thị Thanh (35 tuổi, thôn Võng Nội), một trong những hộ gia đình có diện tích canh tác Hành và rau lớn nhất ở xã cho biết: Vườn nhà chị trồng rất nhiều loại rau màu như hành, cần tây, súp lơ, cải bắp… trong đó nhiều nhất là Hành lá (6 sào, các gia đình khác trong thôn có khoảng 3,4 sào). Hành là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian quay vòng gối vụ nhanh nên hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi lứa hành khoảng 60 ngày tùy điều kiện thời tiết, mỗi năm có thể trồng được từ 6 - 7 lứa. Giá Hành lá trung bình từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg, lúc được giá có khi đến 12.000 đồng/kg.

Cùng thời điểm này so với năm 2018, giá Hành rất thấp chỉ khoảng 3.000 đến 4.000 đồng/kg, vì cứ tháng Chạp, Hành củ rất nhiều nên Hành lá rớt giá. Nhưng năm nay, Hành lá vẫn giữ giá ổn định. Việc đồng áng tất bật quanh năm là thế nên ngoài nhân lực chính là 2 vợ chồng, hàng ngày chị phải thuê thêm 2 nhân công nữa mới bảo đảm việc canh tác rau màu cung cấp ra thị trường trung bình 20 tấn Hành thương phẩm, đem lại thu nhập trung bình hơn 100 triệu đồng cho gia đình mỗi năm.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, đồng chí Khuất Văn Thảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Võng Xuyên cho biết: So với cây Lúa và một số loại rau màu khác, việc trồng Hành mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn nhiều. Hành lá bắt đầu được trồng từ những năm 1999 nhưng thời điểm đó chỉ lác đác một số hộ trồng. Nhờ hiệu quả kinh tế cao nên từ năm 2016 đến nay, thực hiện theo Thông tư số 19 của Bộ Nông nghiệp, xã Võng Xuyên làm Đề án trình huyện Phúc Thọ xin chuyển đổi trồng Lúa sang trồng các loại rau màu, trong đó có các loại rau gia vị như Hành lá, Hành củ, Mùi tàu, các loại Húng… để cung cấp cho thành phố và siêu thị, trong đó sản xuất mạnh nhất là Hành lá. Hiện nay toàn xã có khoảng trên 80 ha (tương đương với 216 sào) trồng Hành lá, tập trung nhiều nhất ở thôn Võng Nội với năng suất khoảng 500 - 600kg/sào, đem lại thu nhập bình quân khoảng 730 triệu/ha/năm. Như vậy, so với việc trồng Lúa và một số loại rau màu khác, việc trồng Hành đem lại thu nhập bình quân cao hơn khoảng 300 - 400 triệu mỗi năm. Hiện địa phương đang có nhiều chính sách ưu tiên phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu vững chắc trên thị trường.

Tập trung phát triển các nông sản mang thương hiệu Phúc Thọ

Theo đồng chí Doãn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND huyện, tổng diện tích đất tự nhiên của Phúc Thọ là trên 11.700ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 6.500ha. Xác định là huyện thuần nông, lại được Thành phố quy hoạch thành vùng vành đai xanh của Thủ đô nên cấp ủy, chính quyền huyện Phúc Thọ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn.

Để làm được điều đó, Phúc Thọ đã chủ động xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng đến sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo chuỗi liên kết giá trị; mỗi xã một sản phẩm chủ lực kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo quy trình để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch; đồng thời đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu và thực hiện truy suất nguồn gốc để nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm.


Bưởi là một trong những nông sản chủ lực của huyện Phúc Thọ (Ảnh: danviet.vn)

Đến nay, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả và thu nhập ổn định cho người dân như: vùng sản xuất lúa tại các xã Võng Xuyên (346ha/vụ), Phụng Thượng (337ha/vụ), Sen Chiểu (220ha/vụ); vùng chuyên trồng hoa tại Tích Giang (90ha), Tam Thuấn (50ha); vùng Bưởi tại Vân Hà, Vân Nam (50ha); vùng Rau ở Thanh Đa (50ha), Vân Phúc (50ha), Chuối Vân Nam… Trong đó một số sản phẩm của huyện đã được dán tem truy suất nguồn gốc như: Bưởi Phúc Thọ, Chuối Vân Nam, các sản phẩm khác đều đã được đăng ký và công bố nhãn hiệu như: Rau Thanh Đa, Cà Dầm tương, Tương nếp Tam Hiệp…

Nhờ xác định được hướng đi đúng đắn trong phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, trong năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của huyện đã tăng từ 38,2 triệu đồng/người (năm 2017) lên 41,1 triệu đồng/người (năm 2018). Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới về chuyển dịch cơ cấu, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, an ninh lương thực, an toàn thực phẩm được đảm bảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn như việc nhân rộng một số mô hình kinh tế mới và áp dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp còn hạn chế, chưa tạo được những điểm nhấn rõ nét trong phát triển kinh tế… Bước sang năm mới, Phúc Thọ đặt mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến, đó là một vùng nông thôn trù phú, kinh tế khá giả, môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp, người dân sống thân thiện, mến khách - một nơi mà mọi người mong được đến, thích ở lại và muốn đầu tư./.

ĐP
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực