Trang phục là một thành tố văn hóa chứa đựng nhiều giá trị, nhiều bản sắc, là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.
Thông qua trang phục truyền thống, các DTTS không chỉ thể hiện “gu” thẩm mỹ mà còn phản ánh nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, nhân sinh quan, thế giới quan, thậm chí là cả cội nguồn hình thành, phát triển của dân tộc mình.
|
Trang phục là một thành tố văn hóa chứa đựng nhiều giá trị, nhiều bản sắc, là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. |
Trang phục truyền thống các DTTS bao gồm trang phục dành cho cuộc sống lao động bình thường, trang phục trong ngày lễ hội, cho các sự kiện quan trọng của cuộc đời như trong đám cưới, tang ma; trang phục dành cho thầy cúng, thầy mo khi họ thực hành các nghi lễ; trang phục dành cho người già, trang phục dành cho trẻ em...
Nhiều dân tộc đã quy định khá rõ về mặc trang phục phù hợp với vị trí xã hội, với lứa tuổi, với giới tính, với hoàn cảnh cụ thể khi giao tiếp, ứng xử; trong đó có yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động văn hóa nghệ thuật. Vì vậy, trang phục mỗi dân tộc ở các vùng miền khác nhau, các nhóm khác nhau cũng có sự khác nhau. Chính sự phong phú, đa dạng, giàu sắc thái biểu cảm nên trang phục là một trong những giá trị tiêu biểu góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, cùng với sự giao thoa về văn hóa, sự tác động của kinh tế thị trường, cánh cửa giao thương được mở rộng với nhiều nước trên thế giới, đồng bào DTTS được tiếp cận với các nền văn hóa khác nhau thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó, đồng bào ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi những giá trị mới, làm thay đổi nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ.
Nhiều tộc người không còn giữ được bản sắc văn hoá của trang phục truyền thống, nhất là những tộc người có số dân rất ít, những tộc người sinh sống ở những địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hoá cao. Mức độ sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc, nhất là ở thế hệ trẻ ngày càng ít dần...
Vì thế, việc bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống nói chung, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS nói riêng, làm thế nào để các DTTS - chủ thể văn hóa và thế hệ trẻ có ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn các giá trị văn hóa đặc trưng riêng của mình để bảo tồn, gìn giữ và phát huy, để văn hóa của các DTTS hòa nhập, phù hợp văn hóa của nhân loại nhưng không thể bị hòa tan... là vấn đề đã và đang đặt ra với nhiều thách thức.
|
Cần quan tâm giáo dục cho thế hệ trẻ về các giá trị của trang phục truyền thống dân tộc mình. |
Trước những thực trạng đó, vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS trong giai đoạn hiện nay”.
Mục đích của Hội thảo nhằm triển khai các chủ trương, chính sách về văn hóa, đặc biệt cụ thể hóa Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa IX về Công tác dân tộc; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất quan điểm về sự cần thiết và tính cấp thiết phải bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTSViệt Nam, trong đó có bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống. Đồng thời nâng cao nhận thức về ý nghĩa và giá trị của việc bảo tồn, phát huy văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; tạo sự thống nhất về mục đích, yêu cầu của việc bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc; đề xuất các giải pháp có tính khả thi trong việc bảo tồn, phát huy trang phục các DTTStrong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Ông Đặng Vũ Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội cho biết, Hội đồng Dân tộc cùng với Chính phủ đã tham mưu cho Quốc hội ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến công tác dân tộc, trong đó có 02 văn bản quan trọng là Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2002 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Nội dung các Nghị quyết đã đề cập, lồng ghép tới việc thể chế hóa việc bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc.
Theo ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Uỷ ban Dân tộc, cụ thể hóa Kết luận số 65 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24 về công tác dân tộc trong tình hình mới, các Nghị quyết số 88, 120 của Quốc hội khoá XIV, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025, trong đó dành riêng Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTSgắn với phát triển du lịch.
Một trong những mục tiêu của Dự án 6 là “Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống…. để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các DTTS rất ít người”.
Để góp phần bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, ông Đặng Vũ Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội kiến nghị tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc về tầm quan trọng của việc bảo tồn trang phục truyền thống của chính dân tộc mình, để đồng bào thấy được giá trị văn hóa đặc sắc của bộ trang phục truyền thống. Từ đó có ý thức tự bảo vệ, phát triển bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình; đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục cho thế hệ trẻ, con em đồng bào DTTS về giá trị truyền thống của trang phục dân tộc mình.
Chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa tới công tác bảo tồn, gìn giữ trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, nhất là việc giữ gìn các làng nghề thổ cẩm truyền thống của các dân tộc; đầu tư mở rộng, phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, thu hút đồng bào DTTS tham gia thêu thùa trang phục dân tộc. Tổ chức thu hút khách tham quan, bán hàng ngay tại làng nghề, tạo thu nhập cho đồng bào.
Đặc biệt, quan tâm thực hiện tốt nội dung Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” tại Phụ lục II, Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho bà con nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi./.