Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình 1719

Thứ hai, 06/11/2023 10:41
(ĐCSVN) - Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhưng đến nay, sau 3 năm, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) đã đạt được một số kết quả, trong đó công tác kiển tra, giám sát đã đóng vai trò quan trọng.

Kiểm tra, giám sát ở cấp trung ương

Căn cứ Chương trình công tác hằng năm của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình 1719, Uỷ ban Dân tộc đã chủ trì tổng hợp, trình ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình 1719, trong đó phân công cụ thể cho từng thành viên của Tổ công tác chịu trách nhiệm theo dõi và xây dựng kế hoạch kiểm tra giám sát, đánh giá tại địa phương được phân công, đảm bảo việc kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình 1719 được thường xuyên, liên tục, tránh chồng chéo giữa các thành viên trên cùng địa bàn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - Hầu A Lềnh thăm hộ gia đình bà Hà Thị Chích (khu Chiềng 1, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) là một trong những hộ nghèo mới được hỗ trợ xây nhà ở (ảnh: CTV)

Năm 2022, có 11 Đoàn kiểm tra, giám sát theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương và Tổ công tác đã được phối hợp triển khai tại 28 tỉnh; trong đó 08 Đoàn do Ban Chỉ đạo Trung ương lồng ghép kiểm tra, giám sát, đánh giá các chương trình MTQG, 03 Đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá do Tổ công tác triển khai tại 06 tỉnh thực hiện Chương trình 1719.

Chỉ riêng trong tháng 02/2023, đã tổ chức 03 đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì đi khảo sát, làm việc với các địa phương vùng Tây Nguyên, trung du miền núi phía Bắc, Tây Nam Bộ; phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương rà soát, tiếp thu, nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 1719.

Trong quý II/2023, Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719. Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 Bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các Chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức nhiều cuộc làm việc với các Bộ, ngành, Chính phủ; sử dụng tối đa kết quả kiểm toán, thanh tra và ý kiến của các Bộ, ngành, các địa phương…

Tại kỳ họp lần thứ 6 Quốc hội khóa XV, Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719 đã được đưa ra lấy ý kiến của các Đại biểu Quốc hội và các bộ ngành có liên quan theo đúng quy định, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thu hút được sự quan tâm, chú ý của cử tri và dư luận xã hội.

Việc Quốc hội tổ chức giám sát ngay khi các Chương trình mục tiêu quốc gia mới bắt đầu triển khai thực hiện đã có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong bối cảnh các Chương trình đang triển khai rất chậm. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành được nâng lên; đã có sự vào cuộc quyết liệt hơn, tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của các Chương trình từ đầu năm 2023. Thông qua việc giám sát tối cao đã thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

 Phiên họp thứ 7 của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội khóa XV đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia (ảnh: QH)

Cùng với Quốc hội, thì Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTWMTTQVN) cũng đã tiến hành giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719 tại các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Tuyên Quang, Kon Tum và An Giang.

Kiểm tra, giám sát ở địa phương

Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của cấp trung ương, các địa phương đã chỉ đạo triển khai xây dựng và bố trí nguồn lực triển khai Kế hoạch kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719 trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Qua công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đã giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình chấp hành các quy định về quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; phát huy những kết quả tích cực và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý tồn tại, hạn chế phát sinh để đảm bảo thực hiện Chương trình có hiệu quả, đúng mục tiêu, tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

Uỷ ban MTTQVN của 49 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình 1719 cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và giám sát Chương trình. Về nội dung, chủ yếu tập trung vào giám sát công tác triển khai thực hiện; giám sát việc xác định phạm vi, đối tượng thụ hưởng; giám sát phân bổ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác thuộc Chương trình. Tiêu biểu cho nội dung hoạt động này là các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Thanh Hoá, Nghệ An, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Nam, Phú Yên, An Giang, Sóc Trăng, Gia Lai, Cao Bằng.

Bài học kinh nghiệm rút ra qua công tác kiểm tra, giám sát

Tại Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thảo luận đối với kết quả Báo cáo giám sát tối cao việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia bước đầu đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm:

 Tại Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thảo luận đối với kết quả Báo cáo giám sát tối cao việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (ảnh: QH)

Thứ nhất, Cần nghiêm túc quán triệt, nhận thức đúng đắn, đầy đủ, rõ ràng các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, bám sát thực tiễn để bảo đảm nội dung của Nghị quyết được thể chế hóa đầy đủ ngay từ khi xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia, cụ thể hóa cơ chế, chính sách, công tác điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện.

Thứ hai, Phát huy vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu, sự chủ động, trách nhiệm của cơ quan điều hành, thực thi là yếu tố then chốt để đạt kết quả Chương trình. Khắc phục cho được tâm lý sợ sai, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.

Thứ ba, Phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của Nhân dân, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người dân, đối tượng thụ hưởng Chương trình. Đây là yêu tố then chốt để quyết định sự thành công, hiệu quả của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ tư, Để có chính sách phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc lựa chọn, quyết định các danh mục dự án, tiểu dự án cụ thể. Các cơ quan trung ương ban hành chính sách khung, giao chỉ tiêu cụ thể cho địa phương và xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá phù hợp, hiệu quả./.

Trung Kiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực