Gắn xây dựng gia đình với Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN

Thứ hai, 25/09/2023 08:26
(ĐCSVN) - Để xây dựng gia đình người dân tộc thiểu số no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, phải “Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Trong Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới nêu rõ: “Xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước”.

Chỉ thị của Ban Bí thư yêu cầu: “Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước 

Theo tổng kết của Ủy ban Dân tộc, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến nay vẫn là địa bàn khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất, giảm nghèo thiếu bền vững; khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các dân tộc, vùng miền ngày càng tăng lên.

Vùng dân tộc thiểu số đang ngày càng bị tụt hậu so với sự phát triển chung của cả nước. Hộ nghèo dần chỉ còn là người dân tộc thiểu số và có nguy cơ bị bỏ lại phía sau. Những khó khăn này đang từng ngày, từng giờ tác động tới cuộc sống của các gia đình người dân tộc thiểu số.

Để xây dựng gia đình người dân tộc thiểu số no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về Chỉ thị 06 nói riêng, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nói chung về công tác dân tộc.

Trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có nêu quan điểm: “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước”.

Thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cần nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhưng trong đó có một nhiệm vụ và giải pháp rất quan trọng là xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025.

Chương trình gồm 10 dự án thành phần, với mức vốn tối thiểu được Quốc hội phê duyệt trên 137 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương trên 104 nghìn tỷ đồng chính là sự cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 Nhờ trồng quế mà gia đình bà Giàng Thị Làng, ở Bản Tát, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có điều kiện xây nhà ở kiên cố, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 nhằm giải quyết khá nhiều mục tiêu cụ thể liên quan đến mỗi gia đình người dân trong vùng như: Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; 

Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào;

Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%;

98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế. Trên 80% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%;

50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Một số chỉ tiêu chủ yếu trong Chương trình MTQG nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết đang đặt ra đối với hộ gia đình dân tộc thiểu số, đó là: Giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ; Giải quyết nhà ở cho hơn 18.300 hộ; Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ; Giải quyết sinh kế cho hơn 271.800 hộ; Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 236.700 hộ; Hỗ trợ xây dựng hơn 800 công trình nước sinh hoạt tập trung với hơn 32.200 hộ thụ hưởng; Sắp xếp, ổn định dân cư cho hơn 81.500 hộ; Tối thiểu 80% phụ nữ có thai được phổ biến kiến thức, khám thai định kỳ, hỗ trợ y tế, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Đào tạo nghề cho khoảng 2,25 triệu người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 4 triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn…

Thực hiện thắng lợi Đề án tổng thể và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn bản một số bức xúc của người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Khi kinh tế - xã hội của vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển toàn diện sẽ tác động ngược trở lại đến sự phát triển của mỗi gia đình người dân tộc thiểu số theo các tiêu chí: no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, tạo điều kiện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với các vùng phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội - yếu tố nền tảng để đảm bảo đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trí Dũng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực