Hà Giang: Nhân rộng những điểm sáng trong bài trừ hủ tục lạc hậu

Thứ ba, 22/11/2022 17:13
(ĐCSVN) - Theo đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tồn tại lâu đời trong đồng bào các dân tộc là việc làm khó, cần bền bỉ thực hiện, không nóng vội, ép buộc; lấy tuyên truyền, vận động làm chính, hướng tới thay đổi tư duy, nhận thức của bà con để đạt hiệu quả lâu dài và bền vững.

Dòng họ Sùng ở xã Lũng Chinh đã thống nhất không thách cưới cao, lễ vật chỉ mang tính tượng trưng (Ảnh minh họa: Phương Liên) 

Bài học từ những điểm sáng

Là tỉnh miền núi phía Bắc Tổ quốc, Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 90% dân số của tỉnh. Một số dân tộc vẫn còn duy trì nhiều tập tục lạc hậu, trở thành “rào cản” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trước thực trạng đó, những năm qua, việc thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tỉnh Hà Giang quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và nỗ lực thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực. Đáng chú ý, nhiều mô hình tiêu biểu trong xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang được cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng biểu dương, nhân rộng.

Điển hình như tại huyện Mèo Vạc, dòng họ Sùng (dân tộc Mông) ở thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh có 63 hộ với 323 khẩu, trong đó có 17 đảng viên chính thức, 7 đảng viên dự bị, 8 người tham gia làm cán bộ cấp xã, cấp huyện. Trưởng dòng họ Sùng Chứ Mua cho biết, từ ngày thành lập dòng họ, các thành viên thường xuyên trao đổi thông tin, kết nối tình cảm. Mọi công việc lớn của dòng họ như quy mô, cách thức giỗ tổ tiên ngày 30 Tết Nguyên đán hàng năm hay ngày Thanh minh 3/3 Âm lịch… đều đưa ra bàn bạc dân chủ, thống nhất rồi mới tổ chức thực hiện.

Cũng theo ông Sùng Chứ Mua, trước đây, khi có đám cưới, nhà trai tổ chức một đoàn 13 người sang nhà gái, thống nhất tổ chức hôn lễ trong 3 ngày 3 đêm, giết mổ nhiều gia súc, nghi lễ rất rườm rà. Còn khi có đám tang, các gia đình làm lễ kéo dài tới 7 ngày, mổ 2-3 con bò, chưa tính gia súc, gia cầm khác, chi phí lên tới trên 100 triệu đồng đối với hộ giàu, hộ nghèo thì cũng tiêu tốn chừng 50 triệu. Sau đám tang người thân, không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần hoặc tiếp tục là hộ nghèo.

Được sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là phát huy vai trò nêu gương của các đảng viên, toàn thể dòng họ Sùng đã họp bàn, thống nhất nghi lễ đám ma dài nhất là 36 giờ, ngắn thì 12 giờ, chỉ mổ một con lợn và các hộ tự nấu. Nhờ đó, chi phí đám ma chỉ mất vài ba triệu đồng, giảm hàng chục lần so với trước đây. Đám cưới cũng tổ chức không quá một ngày, không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm; con em trong dòng họ không kết hôn cận huyết thống, không tảo hôn. Nhờ đó trong dòng họ Sùng, tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường thay vì một số em phải bỏ học lấy vợ, lấy chồng sớm khi vẫn đang còn là trẻ vị thành niên như trước kia.

Hiệu quả hoạt động tự quản của dòng họ Sùng đã gợi mở, tiếp thêm động lực để cấp ủy xã Lũng Chinh ra nghị quyết, chính quyền xây dựng kế hoạch nhân rộng ra dòng họ Giàng và dòng họ Thào trong năm 2022; tiến tới nhân rộng ra tất cả các dòng họ trong toàn xã, nhằm phát huy vai trò của các dòng họ trong việc quản lý an ninh trật tự và vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Từ kinh nghiệm của dòng họ Sùng, Mèo Vạc sẽ tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín, nghệ nhân dân gian, trưởng thôn, trưởng dòng họ, bí thư chi bộ, bà cô trong công tác tuyên truyền vận động; tạo điều kiện cho người có uy tín, nghệ nhân dân gian, trưởng thôn, trưởng dòng họ, bí thư chi bộ, bà cô được tham gia góp ý xây dựng chương trình, kế hoạch xóa bỏ hủ tục lạc hậu ở địa phương.

Ông Hầu Súa Mỷ (ngoài bên phải), thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo - cá nhân tiêu biểu trong bài trừ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. (Ảnh: My Ly/Báo Hà Giang) 

Hay như tại huyện Đồng Văn, Phố Cáo là một trong những xã đi đầu trong bài trừ hủ tục, tích cực xây dựng nếp sống văn minh. Toàn xã có 12 dòng họ, trong đó có 5 dòng họ đi đầu trong bài trừ hủ tục, gồm: Dòng họ Hầu thôn Sủa Pả A, dòng họ Thào thôn Chúng Pả A, dòng họ Sùng thôn Sủa Pả B, dòng họ Lầu thôn Tráng Phúng B và dòng họ Ly thôn Sảng Pả.

Thời gian qua, 5 dòng họ trên đã thực hiện tốt việc đưa người chết vào áo quan trong quá trình tổ chức tang lễ, các gia đình trong dòng họ thực hiện bài trừ các hủ tục như: Không mổ nhiều bò, không tổ chức tang lễ dài ngày, thực hiện ăn uống hợp vệ sinh. Đây cũng là 5 dòng họ được cấp ủy, chính quyền xã chọn làm điểm trong cam kết thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục của xã.

Ông Hầu Súa Mỷ, thôn Sủa Pả A, xã Phố Cáo cho biết, cách đây nhiều năm, gia đình ông và các gia đình trong dòng họ đã bắt đầu nhận thức được việc cần thiết phải tổ chức đám tang văn minh, cho người chết vào áo quan. Đến nay, dưới sự tuyên truyền, định hướng của cấp ủy, chính quyền xã, 100% các nhánh trong dòng họ Hầu đã đồng tình và thực hiện theo; dòng họ Hầu cũng được đánh giá là dòng họ tiêu biểu, đi đầu trong đưa người chết vào áo quan và thực hiện văn minh trong việc tang.

Để từng bước loại bỏ các hủ tục ra khỏi cuộc sống, xây dựng nếp sống văn minh trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, huyện Đồng Văn đã đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền bằng loa không dây lưu động bằng 2 thứ tiếng đến các thôn, nhóm hộ; tuyên truyền trực quan bằng băng zôn; sản xuất tin, chuyên trang, chuyên mục, bài viết, phóng sự, trên báo, đài của tỉnh và trang thông tin của huyện. Tổ chức các hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo cấp xã, thị trấn, các ngành, các đồng chí Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ, thầy mo, thầy cúng và tổ trưởng Tổ Dân vận thôn, tổ dân phố. Tại cấp thôn, tổ dân phố tiếp tục tuyên truyền lồng ghép với các buổi sinh hoạt chi bộ và họp thôn để quán triệt đến từng đảng viên, gia đình.

Cùng với đó, yêu cầu các địa phương tổ chức hội thảo, mạn đàm, gặp gỡ nghệ nhân dân gian, gặp mặt, biểu dương người có uy tín; tổ chức ký kết với từng hộ dân trong việc xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, rườm rà trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã ghi nhận 29 dòng họ, 19 thôn, tổ dân phố và 26 cá nhân tiêu biểu trong xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, rườm rà, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân.

Không nóng vội, ép buộc, lấy tuyên truyền, vận động làm chính

 Theo đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tồn tại lâu đời là việc làm khó, cần bền bỉ thực hiện, không nóng vội, ép buộc, lấy tuyên truyền, vận động làm chính, hướng tới thay đổi tư duy, nhận thức bà con để đạt hiệu quả lâu dài và bền vững. Đặc biệt, công tác tuyên truyền cần linh hoạt, linh động, dễ hiểu, phù hợp với từng dân tộc, từng đối tượng nhằm vừa giúp đồng bào hiểu rõ những tác hại của các hủ tục lạc hậu, vừa hướng bà con nhân dân tham gia những hoạt động sinh hoạt văn hóa lành mạnh; tích cực nhân rộng các mô hình hay và kịp thời khen thưởng các điển hình. Các địa phương cần chủ động và có giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, không cứng nhắc, quan trọng nhất là hiệu quả. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu và vận động người nhà, người thân thực hiện…

Thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều điểm sáng trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, vẫn tồn tại một số hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số như: người chết chưa đưa vào áo quan, giết mổ nhiều gia súc, tổ chức đám tang dài ngày; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra; một số phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số có nơi bị lợi dụng biến tướng (như tục kéo vợ của dân tộc Mông) đã gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội…

 Tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh. (Ảnh: vietnamplus.vn)

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xóa bỏ hủ tục lạc hậu tại địa phương, năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bài trừ các hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Triển khai chương trình xóa bỏ hủ tục lạc hậu, 100% các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức quán triệt, thành lập ban chỉ đạo, các chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 09 của Tỉnh ủy. Các địa phương chỉ đạo việc khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các hủ tục, phong tục, tập quán trong từng dân tộc, chỉ đạo tổ chức các hội nghị mạn đàm, hội thảo, hội nghị chuyên đề, hội thi tuyên truyền tại cơ sở; đưa việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu vào hương ước, quy ước của thôn, bản; xây dựng các mô hình điểm, tổ chức các phong trào thi đua, xây dựng nếp sống văn minh, phù hợp với từng địa bàn, phong tục, tập quán từng dân tộc.

Với quan điểm xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh, ngày 01/5/2022, BCH Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết chuyên đề số 27-NQ/TU về xóa bỏ xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh Hà Giang xây dựng Kế hoạch thực hiện, đồng thời phát động phong trào Thi đua xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025…

Bằng nhiều giải pháp, tỉnh Hà Giang phấn đấu đến hết năm 2025, trên 75% các hộ gia đình trong toàn tỉnh nhận thức được tác hại, hệ lụy của các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu; đến hết năm 2030, các địa phương cơ bản thực hiện xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu đang còn tồn tại trong đồng bào các dân tộc thiểu số và thực hiện tốt các nội dung xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, trong việc cưới hỏi, không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, kéo vợ, những nghi lễ rườm rà, gây lãng phí như thách cưới, tổ chức cưới nhiều ngày; khuyến khích các hình thức báo hỷ thay cho tiệc cưới; khuyến khích các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp đứng ra tổ chức lễ cưới cho cán bộ, nhân viên, người lao động bằng các hình thức đơn giản, phù hợp, văn minh.

Trong việc tang, vận động Nhân dân thay đổi những tập quán rườm rà, tốn kém như đi lễ, trả lễ; không tổ chức đám tang quá 48 tiếng, không giết mổ nhiều gia súc nhất là trong vùng đồng bào DTTS. Về tổ chức lễ hội, các tổ chức, cá nhân điều chỉnh, thay đổi những tập quán lạc hậu, rườm rà phản cảm; rà soát quy hoạch và thống nhất việc tổ chức các lễ hội ở các địa phương bảo đảm việc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc;…/.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực