Đây cũng là một phần nội dung về bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho lực lượng quân đội công tác, đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Dự án 5, Tiểu dự án 2 của Chương trình mục tiêu quốc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
|
Một buổi đi thực tế của lớp học tiếng dân tộc của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Võ Tiến |
Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng được mối đoàn kết gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc ở huyện biên giới A Lưới. Để đạt được mục tiêu đặt ra cho cán bộ BĐBP tỉnh công tác trên địa bàn này là phải “hiểu được đồng bào nói, nói cho đồng bào hiểu, làm cho đồng bào tin”, trong nhiều năm qua, BĐBP tỉnh đã chủ động tổ chức mở nhiều lớp học tiếng dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi cho cán bộ Biên phòng đang công tác trên tuyến biên giới A Lưới. Đây là một việc làm thiết thực nhằm vừa phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của BĐBP tỉnh, vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.
Việc tổ chức học tiếng dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo cho cán bộ Biên phòng phải giao tiếp được với đồng bào bản địa bằng chính ngôn ngữ của họ, hướng đến mục tiêu có thể giao tiếp thành thạo để phục vụ tốt hơn cho công tác bảo vệ biên giới. Đồng thời, thông qua các lớp học này nhằm giúp BĐBP tỉnh nắm được phong tục tập quán, những nét văn hóa truyền thống cần phát huy và những tập tục lạc hậu cần loại bỏ của các dân tộc thiểu số nơi địa bàn mình công tác.
A Lưới là huyện biên giới duy nhất và cũng khó khăn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Trong đó, địa bàn hoạt động của các đồn Biên phòng ở huyện A Lưới gồm 12 xã biên giới, có 4 đồn Biên phòng đóng quân; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 77,5% gồm các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy, Vân Kiều và một số dân tộc ít người khác di cư đến. Việc BĐBP tổ chức mở được nhiều lớp học tiếng dân tộc thiểu số vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa thể hiện tình cảm gắn bó của BĐBP đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đại tá Phạm Tùng Lâm, Chính ủy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: Biết tiếng DTTS không chỉ giúp cán bộ, chiến sĩ am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào mà còn nghe hiểu, nói được tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc. Đây chính là cầu nối giữa cán bộ, chiến sĩ với người dân, để “nghe dân nói, nói dân hiểu”, tạo được niềm tin yêu của quần chúng nhân dân, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Hơn 10 năm gắn bó với đồng bào khu vực biên giới phía Tây Nghệ An, Trung úy Đinh Bạt Đại, Đồn Biên phòng Tri Lễ, BĐBP Nghệ An hiểu hơn hết sự cần thiết của việc biết tiếng nói của bà con DTTS. Bởi đã là người lính Biên phòng có nghĩa là phải thường xuyên tiếp xúc với đồng bào DTTS, nếu không biết tiếng nói của dân thì không thể hiểu dân, mà không hiểu dân thì tuyên truyền, vận động việc gì cũng khó. Đến giờ, Trung úy Đại đã thông thạo cả tiếng Mông và tiếng Thái. Dù vậy, khi Đồn Biên phòng Tri Lễ mở lớp học tiếng Mông, anh vẫn tới lớp đều đặn để “trau dồi kỹ năng giao tiếp cũng như hiểu được sâu hơn, rộng hơn ý nghĩa các từ hoặc câu nói của người Mông”.
|
Lớp học tiếng Mông của Đồn Biên phòng Tri Lễ, BĐBP Nghệ An thu hút rất đông CBCS tham gia. Ảnh: Hồ Quang |
Việc biết tiếng DTTS giúp ích được rất nhiều cho mỗi người biên phòng, đặc biệt trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Có nhiều điều luật, thuật ngữ đòi hỏi những người lính mang quân hàm xanh phải sử dụng tiếng của đồng bào để diễn giải sao cho bà con dễ hiểu, dễ nhớ, từ đó là làm theo. Xuất phát từ thực tế đó, Đồn Biên phòng Tri Lễ mở lớp học tiếng Mông cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong đơn vị. Thực tế, việc CBCS được học và sử dụng tiếng Mông phát huy hiệu quả rất tốt trong tuyên truyền, vận động và phối hợp với đồng bào. Nhờ biết tiếng dân tộc nên CBCS có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân. Trên cơ sở đó, tham mưu kịp thời cho chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế. Việc giao tiếp bằng tiếng của đồng bào giúp CBCS gây dựng được lòng tin trong nhân dân, bà con đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị để đơn vị đấu tranh phòng chống các loại tội phạm hiệu quả cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia.
Sau hơn 3 tháng miệt mài học tập, nghiên cứu tiếng dân tộc thiểu số, những cán bộ, chiến sĩ của BĐBP Đắk Lắk đã thuần thục kỹ năng nghe, nói với tiếng dân tộc Ê Đê, giúp cho tình quân dân nơi biên giới ngày càng gần gũi, thắm thiết hơn.
Hiện nay, khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk có 4 xã thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp, dân số hơn 23 nghìn người, với 26 dân tộc anh em cùng sinh sống, Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 39,3%, đặc biệt, có những địa phương đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 78%, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê, M’nông... Những năm qua, từ thực hiện hiệu quả phương châm “3 bám, 4 cùng”, công tác dân vận của BĐBP Đắk Lắk trong đồng bào dân tộc thiểu số đạt nhiều kết quả nổi bật. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công đó chính công tác bồi dưỡng kiến thức và học tiếng dân tộc thiểu số. Từ năm 2015 đến nay, đã có gần 200 cán bộ Biên phòng được học và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.
Gần đây nhất, tháng 2/2023, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã khai giảng lớp học tiếng dân tộc Ê Đê cho 60 học viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk.
Khi chưa triển khai lớp học, nhiều cán bộ trẻ về nhận công tác tại địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gặp không ít khó khăn, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cũng hạn chế do không hiểu được tiếng của đồng bào nên nói mà bà con không hiểu. Do đó, lớp học tiếng dân tộc thiểu số được triển khai đã tháo gỡ được những khó khăn, rào cản về ngôn ngữ này. Sau 3 tháng học tập, nhiều CBCS đã có thể giao tiếp tốt với bà con trong buôn, trong thôn, khoảng cách về ngôn ngữ không còn, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cũng tốt lên, đặc biệt, niềm vui không chỉ ở những người lính Biên phòng, mà sự tin yêu của bà con nhân dân biên giới với BĐBP cũng được nâng lên.
“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi nhận thấy học tiếng dân tộc thiểu số là một yêu cầu quan trọng của người lính Biên phòng, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, có đa dân tộc, đa văn hóa, đời sống bà con còn khó khăn. Cũng chính vì thế, tinh thần học tập của những cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn nghiêm túc và trách nhiệm nhất” - Thiếu tá Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk chia sẻ.
Cùng với học tiếng Ê Đê, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk mở thêm các lớp bồi dưỡng kiến thức về dân tộc, giúp cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hiểu rõ hơn về văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn bản sắc, văn hóa truyền thống ở địa phương nơi đóng quân. Đồng thời, cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.