Khai thác giá trị văn hóa đặc trưng vùng dân tộc thiểu số để phát triển du lịch cộng đồng

Thứ tư, 08/11/2023 14:45
(ĐCSVN) - Du lịch cộng đồng tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số miền núi luôn có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Phát triển du lịch cộng đồng gắn với khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng vùng dân tộc thiểu số sẽ góp phần bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, tạo nguồn lực phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là chủ trương đang được các địa phương quan tâm đẩy mạnh trong thời gian qua nhằm nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là nội dung của Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện với mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Thực tế cho thấy, phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang mang lại “lợi ích kép” cho người dân. Loại hình du lịch này không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.

Người dân Sin Suối Hồ đón khách du lịch. Ảnh: Khánh Ngọc 

Phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc

Du lịch cộng đồng có thể hiểu là mô hình du lịch mà cộng đồng dân cư là chủ thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho du khách và được chia sẻ các nguồn lợi do du lịch mang lại. Thông qua các hoạt động phục vụ du khách đến tham quan, như: lưu trú, ăn uống, trải nghiệm văn hóa bản địa, bán quà lưu niệm địa phương..., du lịch cộng đồng đang là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có mà còn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào. Như tại Lào Cai, hiện có trên 300 điểm lưu trú tại gia, tập trung chủ yếu ở các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát… Người dân không chỉ được chính quyền đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất mà còn thường xuyên được tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Từ kinh doanh du lịch, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã cải thiện rõ rệt. Theo thống kê, các điểm du lịch ở Sa Pa có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không làm du lịch, nguồn thu của các hộ làm dịch vụ du lịch cũng cao gấp từ 5 lần so với các hộ khác, đạt từ 25-60 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ du lịch cộng đồng mà các ngành nghề thủ công (sản xuất thổ cẩm, chạm khắc bạc, đồ lưu niệm…) được phát triển mạnh mẽ và tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân. Ước tính ở Lào Cai, các điểm du lịch cộng đồng đã giải quyết việc làm cho hơn 2.600 lao động.

Hay như bản nhỏ Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) của đồng bào dân tộc H’Mông cũng đang trở thành điểm sáng trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Từ năm 2005 đến nay, khi đưa mô hình du lịch cộng đồng vào hoạt động, trung bình 1 năm bản Sin Suối Hồ đón trên 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Từ một bản nghèo, hiện người dân Sin Suối Hồ đã có của ăn của để khi thu nhập bình quân/người đạt trên 20 triệu đồng/năm. Tại Diễn đàn Hội chợ du lịch quốc tế 2023 diễn ra tại Indonesia, bản Sin Suối Hồ được khối ASEAN vinh danh là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất của khối năm 2022.

Nhìn vào những thống kê trên có thể thấy ý nghĩa của mô hình du lịch cộng đồng với các nước đang phát triển như Việt Nam, nơi có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng có thể đảm bảo một bước đột phá cho thành công du lịch trong tương lai.

  Sin Suối Hồ cũng phát triển mô hình chợ du lịch truyền thống của người Mông, bán các sản vật của địa phương như thuốc lá dân gian, thổ cẩm, ẩm thực gắn với không gian trình diễn các công đoạn sản xuất đặc trưng. Ảnh: Thế Dương

Không chỉ tạo kinh tế bền vững cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi du lịch cộng đồng còn đánh thức sức sống tiềm tàng của nhiều tài nguyên du lịch. Mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch sẽ, đóng góp tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát huy những giá trị văn hóa bản sắc truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số qua các lễ hội, trang phục, ẩm thực... nhằm mang đến cho công chúng và du khách những trải nghiệm đặc sắc.

Văn hóa bản địa là “chìa khóa”

Phát triển du lịch cộng đồng sẽ mang lại lợi ích kép cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Song, phát triển du lịch cộng đồng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử, có địa phương sao chép cách làm của nơi khác hoặc xây dựng mô hình nhưng không cần biết quy chế, quy chuẩn, những điều cần thiết để phát triển du lịch cộng đồng bền vững. Nhiều bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa thực sự hiểu giá trị của văn hóa bản địa là “chìa khóa” phát triển du lịch cộng đồng nên khi thấy nhu cầu du khách tăng, sẵn sàng xây dựng thêm những khu lưu trú, làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên, thương mại hóa văn hóa bản địa, gây tổn thương và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững.

Để phát triển du lịch cộng đồng gắn với tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương cần có kế hoạch xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với cải thiện sinh kế bền vững để khai thác các giá trị văn hóa bản địa, cũng như bảo đảm hiệu quả kinh doanh. Muốn làm được việc này, cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực như cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt... Từ đó định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.

 Các cô gái dân tộc Mông giới thiệu điệu múa truyền thống của dân tộc mình với du khách. Ảnh: Thế Dương 

Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng ở nhiều nơi đang được định vị là phục vụ du khách có mức chi trả thấp, thu nhập của người dân chủ yếu đến từ cung cấp dịch vụ ăn, ngủ với giá rẻ nên doanh thu chưa cao. Trong khi đó, du khách hiện nay có nhu cầu lớn về trải nghiệm du lịch, họ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ cao cấp của du lịch cộng đồng. Nên thay vì chỉ khai thác trên chính ngôi nhà, thửa ruộng, mảnh vườn của mình, những chủ homestay cần biết kết hợp với các doanh nghiệp trong thu hút khách, khai thác các hình thức trải nghiệm văn hóa cộng đồng... trên cơ sở phân chia hài hòa lợi ích. Đó là cách vừa giữ gìn, lan tỏa được văn hóa bản địa, vừa phát triển được du lịch cộng đồng một cách bền vững.

Bên cạnh đó, phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần tuân thủ các quy định về bảo tồn và nguyên tắc phát triển bền vững, trong đó kiểm soát áp lực về môi trường và xã hội là một trong những yêu cầu hàng đầu. Trên cơ sở đó, các địa phương cần đưa ra những giải pháp tổ chức, quản lý du lịch, hỗ trợ vốn, tạo điều kiện liên kết với doanh nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho bà con tham gia làm du lịch, góp phần hoàn thiện những mô hình du lịch cộng đồng bền vững.

Các chuyên gia du lịch cũng cho rằng, việc nâng cao trình độ học vấn và nhận thức về vai trò của du lịch cộng đồng, du lịch bền vững là vấn đề cấp thiết hiện nay. Cần khuyến khích các đối tượng đi học, tặng học bổng cho người dân tộc thiểu số, miền núi tham gia các lĩnh vực phục vụ công tác quản lý du lịch và dịch vụ du lịch.

Trong Chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng mà Tổng cục Du lịch đang xây dựng, nhiều nội dung được đề xuất nhằm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, như: Hỗ trợ phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, hỗ trợ bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số phục vụ phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số tham gia phát triển du lịch. Đối tượng hàng đầu của chương trình này là cộng đồng địa phương mà trực tiếp là các hộ dân sống trong khu vực triển khai hoạt động du lịch cộng đồng, đội ngũ lao động trực tiếp và gián tiếp tại các điểm du lịch cộng đồng, những người cam kết tham gia vào hoạt động này.

Trong những giải pháp hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, Tổng cục Du lịch đặt giải pháp lựa chọn thị trường mục tiêu lên hàng đầu. Trong đó, xác định thị trường chính của du lịch cộng đồng là khách nội địa trẻ tuổi, những hội nhóm nhiếp ảnh, dân “phượt”, những doanh nhân năng động, những người sống ở các đô thị và khách nước ngoài là những người làm việc tại các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, những người làm trong các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, du khách nước ngoài… từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp./.

N.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực