Làm giàu sức sống cho di sản văn hoá Chăm
Thứ ba, 22/08/2023 16:22 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Những vũ điệu Chăm quyến rũ dưới chân Tháp Bà Ponagar là một gợi ý tốt cho các địa phương trong quá trình đưa "Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025) đi vào cuộc sống.
|
Tháp Bà Ponagar là công trình kiến trúc đền tháp tiêu biểu của người Chăm. Công trình này được xây dựng từ khoảng thế kỷ VIII - XIII. Ponagar theo tiếng dân tộc Chăm có nghĩa là “Mẹ xứ sở”. Truyền thuyết Tháp Bà Ponagar gắn liền với nữ thần Thiên Y Ana - người đã dạy dân địa phương biết cày cấy, may vá. |
|
Hiện nay, Tháp Bà Ponagar là một điểm đến nổi tiếng, được rất nhiều du khách lựa chọn trong hành trình khám phá thành phố biển Nha Trang xinh đẹp |
|
Một trong những điểm nhấn thú vị níu chân du khách tại Tháp Bà Ponagar chính là khu vực biểu diễn những tiết mục múa mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Chăm do chính các vũ nữ Chăm thực hiện ngay dưới chân toà tháp nghìn tuổi |
|
Nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa phối hợp với một nhóm người Chăm đến từ nhiều địa phương của tỉnh Ninh Thuận hàng ngày tổ chức biểu diễn nhằm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những nét nguyên sơ, mộc mạc trong các bài múa, điệu nhạc của người Chăm |
|
Múa Chăm có nhiều điệu như: múa quạt, múa đội lu, múa đạp lửa, múa Apsara… Để đạt được độ uyển chuyển, duyên dáng trong từng điệu múa, các cô gái Chăm phải tập luyện ít nhất 3 năm dưới sự hướng dẫn của các vũ sư kỳ cựu - em Đàng Thị Như Ý, đến từ làng Hũ Đức, xã Phước Hũ, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ |
|
Theo Nghệ nhân Vạn Ngọc Chí, người lớn tuổi nhất trong nhóm và thuộc gần 100 bài trống cho biết, điệu múa Chăm gắn liền với diễn tấu trống Ghi năng, trống Paranưng và kèn Saranai |
|
Những nhạc cụ truyền thống này là bộ ba không thể tách rời trong những ngày lễ hội, giao lưu của dân tộc Chăm - anh Đàng Xuân Kỷ, 31 tuổi, đến từ thôn Phước Đồng, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh nói |
|
Biểu diễn múa Chăm hàng ngày ở Tháp bà Ponagar là một việc tốt nhằm làm giàu sức sống cho di sản văn hoá. Mỗi thành viên trong đội múa có cơ hội trở thành “đại sứ” đưa văn hoá dân tộc Chăm tới với du khách trong nước và quốc tế |
Trong Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 có nội dung: “Xây dựng mô hình văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các dân tộc thiểu số, mô hình bảo vệ văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số; mô hình xây dựng đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số; mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng).
Quá trình đưa Dự án 6 vào cuộc sống, thiết nghĩ, cách làm của Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh Khánh Hòa và nhóm người Chăm say mê văn hoá dân tộc như trên rất đáng để các địa phương, các dân tộc thiểu số khác tham khảo, nhân rộng./.
Phóng sự ảnh: Phương Liên