Đắk Lắk: Nhiều vướng mắc trong thực hiện các nguyên tắc của Chương trình MTQG

Thứ năm, 23/11/2023 19:53
(ĐCSVN) - Tỉnh Đắk Lắk đã bám sát các nguyên tắc quan trọng được phê duyệt trong chủ trương, quyết định đầu tư của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, song vẫn gặp một số vướng mắc trong cách hiểu và áp dụng một số nguyên tắc được quy định tại khoản 2, Điều 1 của Nghị quyết số 120/QH14.

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình), giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk được bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước khá lớn, trên 4.658 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương trên 3.643 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 379 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách trên 636 tỷ đồng.

Trong 3 năm, từ 2021 - 2023, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình của tỉnh Đắk Lắk là gần 2.011 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương gần 1.486 tỷ đồng; ngân sách địa phương 152 tỷ đồng, vốn vay tín dụng chính sách gần 119 tỷ đồng.

Buôn cổ của người M'nông ở khu vực Hồ Lắk, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh minh hoạ: Phương Liên) 

Trong quá trình xây dựng các văn bản của địa phương để triển khai thực hiện, tỉnh Đắk Lắk đã bám sát các nguyên tắc quan trọng được phê duyệt trong chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của Chương trình.

Cụ thể, tại Điều 3, Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND ngày 29/3/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh quy định: “Phân cấp trách nhiệm rõ ràng, đảm bảo phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ngành, các cấp, địa phương có liên quan trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG; Phát huy vai trò chủ thể của người dân và sự tham gia, đóng góp của cộng đồng dân cư vào quá trình quản lý, tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình MTQG”.

Bên cạnh đó, trong quá trình rà soát, lựa chọn danh mục dự án đầu tư để bố trí kế hoạch hàng năm triển khai thực hiện, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện theo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, buôn khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất để lựa chọn danh mục dự án đầu tư, nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của Chương trình.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội Khoá XV về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đã nêu một số vướng mắc trong cách hiểu và áp dụng một số nguyên tắc được quy định tại khoản 2, Điều 1 của Nghị quyết số 120/QH14.

Thứ nhất, đối với nguyên tắc “phân cấp, phân quyền cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm…” thì khái niệm “địa phương” được quy định là cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã?

Thứ hai, về nguyên tắc “Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn buôn khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất”.

Tại Tiểu mục 1, Mục V Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình có nêu: “Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn bản khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất…”

Đoàn Giám sát tối cao của Quốc hội khoá XV làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 

Tại khoản 5, Điều 3 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Uỷ ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình cũng quy định: “Tập trung triển khai các dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả; không phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư mang tính dàn trải, manh mún, hiệu quả ngắn hạn; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản”.

Tại tiết b, Tiểu mục 3, Mục III, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công 03 chương trình MTQG năm 2023, thực hiện Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh: “Tăng cường hoạt động chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo các cấp, rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát không dàn trải, manh mún trong quá trình tổ chức thực hiện”.

Tiếp đó, ngày 16/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 555/TTg-QHĐP về việc thúc đẩy triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG, trong đó tại mục 5, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các tính: “quyết liệt rà soát danh mục các dự án, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để điều chỉnh quyết định kịp thời; chú ý phân cấp quản lý đầu tư nhưng phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún…”.

Theo quan điểm của tỉnh Đắk Lắk, khái niệm “có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún” là chưa rõ ràng, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Tỉnh kiến nghị quy định cụ thể về khái niệm “đầu tư dàn trải, manh mún” trong việc lựa chọn danh mục đầu tư./.

Thu Cúc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực