Minh Long: Mở hướng phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ bảy, 11/11/2023 14:35
(ĐCSVN) - Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Minh Long khuyến khích người dân khai thác, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của chính đồng bào, của địa phương.

Trên địa bàn huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi có 02 dân tộc Kinh và Hrê cùng sinh sống, trong đó dân tộc Hrê chiếm 75%. Tuy nhiên số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao 87,4%; hộ cận nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 78,02%.

Huyện có 05 xã, 29 thôn được thụ hưởng Chương trình Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình), trong đó có 03 xã, 13 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn gồm: Long Mai, Long Hiệp và Long Môn. 

Xã Long Môn có 426 hộ thì 421 hộ là người dân tộc Hrê. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 45,6%, cận nghèo chiếm tỷ lệ 16,2%, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông - lâm nghiệp. Do đó, để giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phải bắt đầu từ những thế mạnh của chính đồng bào, của địa phương.

 Chăn nuôi trâu là một thế mạnh của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Minh Long (Ảnh: Minh Uyên)

Theo báo cáo của xã Long Môn với Đoàn công tác của Uỷ ban Dân tộc kiểm tra tình hình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn (tháng 4/2023), toàn xã có diện tích gieo sạ 136,5 ha, tăng 0,3 ha so với cùng kỳ, đạt 100,2% kế hoạch; năng suất bình quân đạt 37,76 tạ/ha, tăng 2,76 tạ/ha so với cùng kỳ, đạt 109% kế hoạch, sản lượng là 515,46 tấn, tăng 52,43 tấn so với cùng kỳ, đạt 111% kế hoạch.

Về chăn nuôi, tổng số đàn trâu hiện có là 421 con, đàn bò 215 con, đàn heo có 450 con, đạt 100% kế hoạch... Như vậy, bình quân mỗi hộ gia đình ở xã Long Môn có hơn 1,2 tấn thóc/năm; 1 con trâu, 1 con lợn và ½ con bò.

Thực hiện Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND xã đã đăng ký tham gia nội dung 1 về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng với mô hình nuôi trâu sinh sản cho 13 hộ tại thôn Làng Ren. Dự kiến kinh phí thực hiện là 265 triệu đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 221 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 22 triệu đồng, ngân sách huyện là 11 triệu đồng và người dân đối ứng là 11 triệu đồng).

Ở xã Long Mai, đồng bào dân tộc Hrê cũng chọn cách phát triển kinh tế bằng chăn nuôi trâu. Anh Đinh Phúc chia sẻ, muốn có thu nhập thì phải chăm sóc chu đáo cho vật nuôi. Thế là người Hrê nay đã biết trồng cỏ, dự trữ rơm rạ cho trâu, bò ăn trong những ngày thời tiết bất lợi. Nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn còn đầu tư xây nhà chứa rơm để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong những ngày mưa lạnh.

Không chỉ vậy, thay vì thả rông gia súc như trước đây, nay, giống ông Đinh Sang, nhiều người đã chủ động mua thêm tinh bột cho trâu ăn. Trời lạnh thì che chắn chuồng trại, bảo vệ đàn vật nuôi, bởi trâu, bò là tài sản có giá trị, là nguồn lợi của đồng bào khi chăn nuôi đã phát triển theo hướng hàng hóa để cung cấp cho thị trường phía Bắc.

Ở mấy xã đặc biệt khó khăn của Minh Long, còn có một thế mạnh nữa là cây chè bản địa. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 206 ha chè, diện tích chè bản địa còn khoảng 100 ha, tập trung chủ yếu ở xã Long Hiệp, Long Mai và Thanh An.

Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, từ lâu, người Hrê ở các xã trên ít nhiều đều trồng chè. Cây chè thích nghi, sinh trưởng và phát triển xanh tốt tự nhiên, hầu như không sử dụng phân, thuốc hoá học, cho thu hoạch lá quanh năm.

Già Đinh Bá Linh, xã Long Mai chia sẻ, từ nhỏ đã thấy mẹ và bà con hái chè mang đi bán, trao đổi lấy những vật dụng cần thiết. Ngày xưa, nhờ trao đổi chè, người Hrê có muối, mắm, xoong, nồi, chiêng, ché và nhiều thứ vật dụng qúy giá khác. Ngày nay, nhờ chè, bà con có ti vi, xe máy, điện thoại thông minh…

Bình quân mỗi ngày người dân bán ra thị trường khoảng 1.500 - 2.000 bó chè tươi (tương đương 1,5 - 2 tấn chè). Quan trọng là cây chè có thể cho thu nhập bằng ½ cây keo, tức khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm, song chu kỳ thu hoạch diễn ra hàng năm, trong khi cây keo phải mất 4 - 5 năm mới cho thu hoạch mà thu nhập cũng chỉ đạt 60 - 70 triệu đồng/năm.

Giờ đây, chè trở thành cây trồng đem lại nguồn thu nhập khá cho đồng bào Hrê trong vùng. Mỗi ngày, mỗi hộ trồng chè có thể thu nhập vài trăm nghìn đồng từ việc thu hoạch lá. Với những hộ trồng quy mô lớn, bình quân thu nhập từ 6- 8 triệu đồng/tháng. Vì thế, không có gì là khó hiểu khi bà con nhiệt tình gắn với cây chè khiến diện tích chè có cơ hội mở rộng hàng năm, mở ra hướng giảm nghèo, phát triển kinh tế hiệu quả cho đồng bào các dân tộc ở địa phương.

Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số ở Minh Long còn tích cực chuyển sang trồng những loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (Ảnh: Công Hoan)

Ngoài cây chè, người Hrê còn trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình. Nhà thì trồng keo lấy gỗ như chị Đinh Thị Hợp ở xã Long Mai. Gia đình chị có 8ha keo, trừ chi phí cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng/năm. Có gia đình thì lại trồng cây ăn quả như quýt, bưởi, chanh, măng… thu nhập còn cao hơn cả trồng keo. Ông Đinh Văn Tuất, cũng ở xã Long Mai nhờ trồng quýt ngọt, bưởi da xanh mà thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Anh Đinh Tấn Công người dân tộc Hrê ở xã Long Sơn phấn khởi chia sẻ, trước đây, cuộc sống của đồng bào rất khó khăn. Vì vậy, với sự hỗ trợ của Nhà nước, mọi người càng quyết tâm xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng Minh Long vẫn đang phải đương đầu với nhiều thách thức trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc Hrê. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2022 trên địa bàn huyện còn thấp, ước đạt 37 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 87,4%; hộ cận nghèo dân tộc thiểu số chiếm 78,02%.

Nhằm góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Nghị quyết số 02- NQ/TU ngày 17/8/2021 của Hội nghị Ban chấp hành Tỉnh ủy lần thứ 4 khóa XX về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi, huyện Minh Long phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 4 - 4,5%; 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Riêng năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,28% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 50 hộ; giải quyết sinh kế cho 100 hộ; đào tạo nghề cho khoảng 50 người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 200 hộ đồng bào DTTS và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn ĐBKK.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, theo bà Đinh Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Long, huyện đã đề xuất các nội dung, dự án cần thu hút đầu tư ở vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025. Trong đó có Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị. Cụ thể là các Dự án phát triển sản xuất liên kết tiêu thụ heo kiềng sắt, heo ky; dự án phát triển sản xuất liên kết tiêu thụ gắn với chế biến sản phẩm tre lấy măng; dự án phát triển sản xuất liên kết gắn với trồng rừng bềnh vững và các dự án phát triển sản xuất tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả; Dự án phát triển sản xuất gắn với chế biến chuyên sâu từ cây chè xanh Minh Long./.

Hồng Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực