Thực tế, kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, giảm chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Những đứa trẻ sinh ra từ những cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh.
Lào Cai đặt mục tiêu xóa hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số
Năm 2023, Lào Cai đặt mục tiêu không còn hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số; giảm 30% số người dân tộc thiểu số tảo hôn; giảm 30% phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con lần đầu so với năm 2022.
|
Một pano tuyên truyền nhằm góp phần giảm tình trạng tảo hôn, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con. Ảnh minh họa |
Thực hiện mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường hơn nữa việc triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục duy trì, xây dựng các mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và giảm số phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường đổi mới các hoạt động tại mô hình để thu hút nhân dân tham gia, nhất là phụ nữ, các thanh, thiếu niên và cha mẹ có con là thanh, thiếu niên. Tỉnh cũng duy trì thực hiện 17 mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gắn với thực hiện “Dân vận khéo về cải tạo tập quán lạc hậu”.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các Trung tâm Y tế phối hợp với các địa phương phân tích rõ số liệu phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con dưới 18 tuổi lần đầu và các lần tiếp theo để đánh giá chính xác số liệu tảo hôn. Sở Tư pháp chỉ đạo các Phòng Tư pháp phối hợp với các phòng, ban của huyện, thị xã, thành phố rà soát số liệu trẻ em chưa được đăng ký khai sinh và làm thủ tục khai sinh cho các cháu. Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh để có các biện pháp tuyên truyền thực hiện phòng, chống tảo hôn; nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về thực hiện hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nâng cao chất lượng dân số...
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chủ động thực hiện nghiêm túc công tác can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, giảm số lượng phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; nâng cao trách nhiệm, phối hợp của cơ quan, đơn vị với các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, xử lý vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tăng cường kiểm tra kết quả thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn, phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con tại các địa phương.
Các địa phương xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống tảo hôn; tăng cường rà soát, nắm bắt tình hình thanh, thiếu niên để tuyên truyền; kịp thời phát hiện các trường hợp có ý định tảo hôn để tuyên truyền, vận động, can thiệp. Đồng thời xử lý nghiêm đối với các tổ chức, người đứng đầu các tổ chức không thực hiện nghiêm túc công tác can thiệp làm giảm tảo hôn, giảm số phụ nữ dưới 18 tuổi sinh con; báo cáo không đầy đủ, không trung thực tình hình trên địa bàn.
Sơn La: Đa dạng hóa các hình thức giáo dục giới tính cho học sinh dân tộc thiểu số
Tỉnh Sơn La đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục giới tính cho học sinh bậc Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, góp phần giúp các em nhận thức được những tác hại của việc mất cân bằng giới tính, tảo hôn, hôn nhân cận huyết và phòng tránh xâm hại tình dục.
Vân Hồ là huyện vùng cao, với trên 80% học sinh là người dân tộc thiểu số. Từ năm học 2018 - 2019 đến nay, huyện có 20 cặp học sinh trong độ tuổi 13 - 16 bỏ học để kết hôn. Thời gian gần đây, tuy tình trạng tảo hôn đã giảm nhưng số học sinh bỏ học để kết hôn vẫn còn. Nguyên nhân là do các em chưa hiểu về hệ lụy của tảo hôn. Trong khi đó, gia đình muốn có thêm lao động nên không ngăn chặn việc các em kết hôn sớm, còn nặng nề tư tưởng có con trai để nối dõi. Cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ, chưa đủ tuổi thành niên thường rất khó khăn do phụ thuộc gia đình, không có kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ.
Trước thực tế trên, công tác giáo dục giới tính cho học sinh bậc Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông đã và đang được các cơ quan, đoàn thể trong huyện tích cực triển khai thông qua nhiều hình thức. Từ đó, giúp các em hiểu biết để không bỡ ngỡ trong quá trình phát triển thể chất cũng như có thêm kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống và xây dựng tình bạn trong sáng ở học đường.
Còn tại huyện Mộc Châu, do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của một bộ phận người dân về giới tính còn hạn chế, dẫn đến tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Vì vậy công tác tuyên truyền, phổ biến về giảm thiểu mất cân bằng giới tính gặp không ít khó khăn. Ngành Giáo dục huyện đã tổ chức, duy trì hoạt động của câu lạc bộ “Bạn gái tiêu biểu” tại các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông.
Em Lường Thị Nga, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Lóng Sập, huyện Mộc Châu chia sẻ, em đã tham gia Câu lạc bộ về kỹ năng sống, giáo dục giới tính của trường, được trang bị các biện pháp, kỹ năng tự bảo vệ. Từ những kiến thức tiếp thu được, em tuyên truyền đến bạn bè để biết cách tự bảo vệ bản thân.
Chị Trần Thị Thủy, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Lóng Sập thông tin, nhà trường thường xuyên quan tâm đến học sinh ở những giờ trực bán trú vào buổi chiều, buổi tối. Ở độ tuổi của các em, nhất là những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, việc chú trọng giáo dục giới tính là rất cần thiết. Qua đó, giúp các em không chỉ biết để phòng tránh cho mình, mà còn tuyên truyền cho các bạn cùng phòng, ở trường và khi về nhà.
|
Hoạt động ngoại khóa giáo dục giới tính tại Trường THPT Vân Hồ. Ảnh: Khải Hoàn |
Sơn La hiện có gần 398 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi. Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 100 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 80% là xâm hại tình dục. Việc giáo dục giới tính nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nạn xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, giúp học sinh có kiến thức về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đang được ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh thực hiện.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Quàng Văn Lâm, công tác triển khai nội dung giáo dục sức khỏe giới tính trong trường học vẫn tồn tại một số khó khăn, bất cập như: một số cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh vẫn coi đây là vấn đề nhạy cảm. Vì thế, việc giáo dục, tuyên truyền, tiếp cận giáo dục giới tính còn chưa sâu, chưa hiệu quả. Cùng với đó, do xu thế phát triển của xã hội, công tác định hướng trong tiếp cận, sàng lọc thông tin của thanh, thiếu niên đã được quan tâm nhưng chưa đầy đủ, dễ khiến các em có những cách hiểu và đưa ra những quyết định, những hành động thiếu đúng đắn về giới tính. Đặc biệt, ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận, cập nhật thông tin chưa nhiều; việc giáo dục giới tính cho học sinh càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành, các đơn vị, đổi mới cách thức tổ chức các chương trình, hoạt động ngoại khóa về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu để phổ biến, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ tư vấn tâm lý học đường trong các cơ sở giáo dục, đồng hành cùng học sinh khi các em gặp những khó khăn, vướng mắc trong đời sống, học tập.
Cao Bằng: Nỗ lực ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã tồn tại lâu đời ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng. Điều này để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, tầm vóc thể hình và là rào cản lớn cho việc học tập, phát triển giáo dục của các bé gái. Tỉnh Cao Bằng đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025 ngăn chặn thành công tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hà Quảng là huyện vùng cao, biên giới, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tại các xã vùng cao, tỷ lệ hộ nghèo còn khá lớn. Trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật hạn chế. Nhiều tập quán lạc hậu còn tồn tại trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Từ năm 2015 - 2023, địa bàn huyện có 353 cặp tảo hôn, trong đó, 154 cặp dân tộc Mông, 90 cặp dân tộc Dao… Toàn huyện có 13 cặp hôn nhân cận huyết thống.
Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hà Quảng Nông Văn Nhất cho biết, huyện đã triển khai hai mô hình điểm thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025 tại xã Thanh Long (Bình Lãng cũ) và xã Nội Thôn. Từ kết quả của những mô hình này, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện tổ chức tập huấn cho cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, các xã, thị trấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông vận động, chuyển đổi hành vi…
Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Cao Bằng có 666 cặp tảo hôn (giảm 731 cặp so với giai đoạn 2015 - 2020); 310 cặp tảo hôn một người, 356 cặp tảo hôn cả hai người; 56 trẻ em tảo hôn, chủ yếu là dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Nùng. 6 cặp hôn nhân cận huyết thống (giảm 20 cặp so với giai đoạn 2015 - 2020).
Năm 2023, tỉnh Cao Bằng duy trì 7 mô hình tại các huyện, xã có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; xây dựng 4 mô hình tại các huyện, xã có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Hạ Lang, Bảo Lạc, Thạch An). Nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên 10 tỷ đồng.
Cao Bằng đặt mục tiêu giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn, số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và kết hôn ở trẻ em; làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Cùng với đó, tỉnh là thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, góp phần nâng cao đời sống, kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống./.