Nỗ lực xóa mù chữ trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ ba, 10/10/2023 17:11
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Xác định xóa mù chữ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực, nhiều năm qua, các địa phương có người dân tộc thiểu số sinh sống đã luôn quan tâm, chú trọng tới công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.
Một lớp học xóa mù chữ tại bản Nậm Xả, xã Bum Tở (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Ảnh: Hà Dũng

Lai Châu xác định công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng

Tam Đường là huyện miền núi của tỉnh Lai Châu với hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do điều điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng nên ở các thôn bản vùng cao, vùng sâu vẫn còn nhiều người chưa biết chữ. Huyện Tam Đường đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học; đồng thời củng cố hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức các lớp xóa mù chữ.

Tại điểm Trường Mầm non ở bản Pho Lao Chải, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường vào mỗi tối, phụ nữ trong bản hồ hởi tới lớp học chữ. Chị Ma Thị Ly khi còn nhỏ do nhà nghèo không được đi học. Lớn lên, chị lại là lao động chính trong gia đình, ở nhà làm nương giúp bố mẹ nuôi các em. Việc được đến trường học chữ là mơ ước bấy lâu nay của chị. Chị Ma Thị Ly chia sẻ, gần 30 tuổi, mình chưa được đến trường. Khi biết xã tổ chức lớp xóa mù chữ, mình rất vui và đăng ký ngay. Chăm chỉ học tập, đến nay, mình đã biết viết chữ và đọc thông thạo.

Chị Hảng Thị Phê hàng ngày đi làm nương, tranh thủ buổi tối đến lớp học chữ. Sau hơn một tháng học, giờ chị đã biết đọc được, biết viết.

Lớp học xóa mù chữ tại bản Pho Lao Chải có 100% học viên là phụ nữ đồng bào dân tộc Mông theo học. Các học viên đều rất tích cực học tập, nghiêm túc tiếp thu bài giảng và thảo luận sôi nổi. Đến nay, lớp học đã hoàn thành chương trình lớp 2 ở mức độ 1. Các học viên đã đọc thông, viết thạo, biết làm phép tính cộng trừ, nhân chia.

Phần lớn các học viên tham gia lớp xóa mù chữ đều là nông dân, quanh năm vất vả với công việc đồng áng, mùa vụ, khi tham gia các lớp học xóa mù chữ, họ càng trở nên bận rộn hơn. Do đó, để thu hút học viên đến lớp và học viên tiếp thu bài học tốt, giáo viên phải linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên sử dụng tiếng đồng bào kết hợp tiếng phổ thông để đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ; xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học; gắn nội dung dạy học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Cô giáo Ngô Lệ Thúy là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Lèng. Công tác ở xã Tả Lèng đã lâu, cô hiểu văn hóa và tiếng địa phương. Trong quá trình giảng dạy, để các chị dễ hiểu, cô kết hợp tiếng phổ thông và tiếng đồng bào. Đến nay, hầu hết học viên đã biết đọc, biết viết.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Đường, năm học 2022 - 2023, toàn huyện mở được 17 lớp xóa mù chữ với 356 học viên tham gia, góp phần nâng cao trình độ dân trí, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được truyền tải đến người dân một cách đầy đủ và chính xác, giúp đồng bào tự tin hơn trong cuộc sống, không bị kẻ xấu lợi dụng và từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh tế hộ gia đình.

Với gần 85% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỉnh Lai Châu đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học. Tỉnh ban hành nhiều nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục và các chế độ hỗ trợ học sinh bán trú; hỗ trợ mở các lớp phổ cập giáo dục xóa mù chữ vùng đặc biệt khó khăn (học viên không phải đóng học phí, hỗ trợ sách, bút cho học viên trong suốt thời gian học); tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.

Ngoài ra, hàng năm, tỉnh tổ chức điều tra, rà soát người mù chữ trên địa bàn 2 lần/năm; cập nhật chính xác dữ liệu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên hệ thống thông tin phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, chính xác theo quy định. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có 5.176 người tham gia học chương trình xóa mù chữ (trong đó có 3.314 người học lớp xóa mù chữ giai đoạn 1 và 1.862 người học lớp xóa mù chữ giai đoạn 2); 1.359 người được công nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ (1.051 người được công nhận hoàn thành giai đoạn 1, 308 người được công nhận hoàn thành giai đoạn 2). Số người biết chữ trong độ tuổi 15 - 60 là 274.606 người đạt 93,9%; số người mù chữ hiện còn 17.864 người.

Thời gian tới, Lai Châu tiếp tục xác định công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và rất khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường và của cả người học. Từ đó, góp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng dần được thu hẹp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.

Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 có 90% người độ tuổi từ 15 trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đặt mục tiêu đến năm 2025 có 90% người độ tuổi từ 15 trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông, tỉnh Gia Lai đang nỗ lực triển khai các giải pháp xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn 3 tháng nay, đều đặn vào lúc 18 giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, các lớp học xóa mù chữ cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Pleiku lại vang vọng tiếng đánh vần "ê, a".

 Một lớp học xóa mù chữ tại xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Mộc Trà

Lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Chi Lăng, thành phố Pleiku) hiện có hơn 30 người theo học, tất cả đều là đồng bào Jrai ở làng Ia Lang. Điều đặc biệt ở lớp học này, các học viên theo học hầu hết đã lớn tuổi nên rất mong biết đọc, biết viết. Đó là lý do họ không ngần ngại đến lớp mỗi tối, kể cả việc mang con cùng đến lớp học.

Dù đã 33 tuổi nhưng với chị H’Thiếu ở làng Ia Lang, phường Chi Lăng, thành phố Pleiku, đây là lần đầu tiên chị được đến lớp học chữ. Trong tâm trạng háo hức chị H’Thiếu kể, trước đây, gia đình chị nghèo khó, bố mất sớm, chị không thể đi học. Vừa qua được thôn trưởng, cán bộ phường và nhà trường đến động viên, chị quyết tâm đi học để biết chữ.

Còn bà H’Lung (57 tuổi) cùng trú tại làng Ia Lang, phường Chi Lăng, chia sẻ, không biết chữ nên bà không đọc được bất cứ loại sách báo nào. Khổ nhất là khi đi làm giấy tờ tùy thân, các loại giấy tờ quan trọng, bà không biết ký mà phải điểm chỉ. Được đi học, biết chữ, tự viết được tên mình, bà vui lắm.

Theo cô Dương Thị Kiếu, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền, người được phân công trực tiếp giảng dạy lớp học này, qua điều tra sơ bộ, làng Ia Lang có khoảng 100 người không biết chữ. Khi được vận động đến lớp học xoá mù chữ, nhiều người còn e dè, một phần xấu hổ do đã lớn tuổi, một phần vì sợ không tiếp thu được. Tuy nhiên, sau khi đến lớp một thời gian, mọi người dần trở nên thích thú và rủ nhau đến lớp ngày một đông hơn. Lớp học chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số đã lớn tuổi nên việc làm quen với mặt chữ ban đầu rất khó khăn. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực, nhiệt tình học tập của học viên, rất cần sự kiên nhẫn động viên, sẻ chia đến từ giáo viên.

Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á, thành phố Pleiku) cũng là một trong 7 cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố được chọn để thực hiện dạy xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các học viên theo học tại đây, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, công việc bận rộn nhưng vẫn luôn đến lớp đầy đủ.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021-2025), tỉnh Gia Lai đã tổ chức được 735 lớp học xoá mù chữ cho gần 23.500 người của 176 xã. Riêng năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh phân khai kinh phí gần 13 tỷ đồng cho các địa phương để tổ chức 217 lớp học cho hơn 6.500 học viên.

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, nhiệm vụ xóa mù chữ là cơ sở quan trọng để củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học, giáo dục Trung học Cơ sở và thúc đẩy phong trào "Xây dựng xã hội học tập" trên địa bàn tỉnh, giúp thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng và địa phương.

Trà Vinh:  9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2

Từ nguồn ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nguồn ngân sách tỉnh đối ứng, Trà Vinh sẽ chi hỗ trợ cho học viên theo học lớp xóa mù chữ; các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên, tình nguyện viên tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ; cơ quan quản lý giáo dục, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác xóa mù chữ.

Cụ thể, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ được hỗ trợ 50.000 đồng/buổi/người, được chi hỗ trợ mua sổ, sách theo dõi quá trình học tập, sách giáo khoa dùng chung với mức 400.000 đồng/học viên/năm học. Ngoài ra, lớp học còn được hỗ trợ kinh phí để thắp sáng ban đêm (với mức 1 KW/buổi học). Người tham gia tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ cũng được hỗ trợ 100.000 đồng/ngày/người.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, theo kết quả công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trên địa bàn, hiện nay, 106/106 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 với gần 688.000 người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi biết chữ (đạt 93,96%); số người mù chữ mức độ 1 còn trên 10.500 người (chiếm 1,44%); số người mù chữ mức độ 2 là 44.192 người (chiếm 6,04%). Do đó, việc thực hiện chính sách này thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với công tác xóa mù chữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và toàn tỉnh nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trên địa bàn./.

Mai Loan (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực