Phát triển du lịch chợ phiên gắn với làng nghề truyền thống dân tộc thiểu số

Thứ sáu, 23/12/2022 08:15
(ĐCSVN) - Nhờ làng nghề mà có thêm các sản phẩm du lịch, thu hút được nhiều khách thăm quan, trải nghiệm, tìm hiểu; nhờ du lịch mà làng nghề phát triển tốt nhờ quảng bá và bán được sản phẩm. Do đó, cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng; có các giải pháp khả thi, hợp lý và hiệu quả trong phát triển làng nghề truyền thống dân tộc thiểu số gắn với du lịch.

Vừa thêu những đường nét, màu sắc sắc sảo lên những chiếc áo, chiếc túi xinh xắn, vừa bán hàng, chị Thào Thị Sùng, bản Cát Cát cho biết, chị học được cách dệt vải của mẹ từ hồi nhỏ, trước đây chỉ dệt và thêu váy áo của gia đình, nhưng giờ chị làm những đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch. Nhiều du khách, đặc biệt là các cháu nhỏ rất thích thú khi được xem cách dệt vải, thêu thùa của người Mông. “Mình vui lắm, vừa bán được hàng có tiền, vừa cho mọi người biết được một nghề truyền thống của dân tộc mình: - chị Thào Thị Sùng cho biết.

Chị Thào Thị Sùng bên khung cửi dệt vải.

Đến với Cát Cát, du khách dễ dàng nhìn thấy những người phụ nữ vừa ngồi bán hàng, vừa thêu thùa quà lưu niệm. Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết, bản Cát Cát thuộc xã San Sả Hồ là một làng nghề thổ cẩm truyền thống, rất may mắn đây lại là bản làm du lịch, nên việc bảo tồn và phát triển làng nghề diễn ra tương đối thuận lợi. Du khách đến đây vừa được tham quan, khám phá và trải nghiệm thiên nhiên, vừa hiểu được những nét văn hóa của người dân nơi đây qua những vật phẩm được làm thủ công, từ se lanh, dệt vải, thêu thùa. Ngoài ra, Cát Cát còn nổi tiếng với nghề thủ công chạm khắc bạc, nghề làm trang sức, đồ dùng từ sừng trâu... rèn đúc nông cụ.

Có rất nhiều làng nghề truyền thống các dân tộc hiện đang được bảo tồn, phát huy, nhưng những địa phương làm du lịch tốt thì làng nghề cũng vì thế mà có điều kiện phát triển hơn. Chính vì lý do đó, những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã chú trọng khôi phục và bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống, nhiều nghề và làng nghề đang dần được hồi sinh, tạo nguồn sản phẩm phong phú và đa dạng phục vụ du khách, vừa tạo nguồn sinh kế cho bà con.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, đến hết tháng 10/2021, Lào Cai có 47 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, chủ yếu là các làng nghề: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may… Nhiều làng nghề bước đầu thu hút khách du lịch và có nhiều tiềm năng khai thác như: Nấu rượu, may thêu thổ cẩm, đan lát, chạm khắc bạc…

Để phát triển các sản phẩm du lịch vùng cao, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn như: Cho vay hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; chính sách hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại điểm du lịch địa phương; chính sách, giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. Việc phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số đã tạo việc làm, tạo ra thu nhập cho người dân. Từ năm 2021 đến tháng 6/2022 đã giải quyết việc làm cho gần 22.400 lao động, trong đó 12.730 là lao động dân tộc thiểu số, khoảng 8000 lao động được giải quyết việc làm trong lĩnh vực du lịch.

Qua đánh giá, một số chợ phiên và sản phẩm truyền thống được nhiều người biết đến như chợ phiên Cán Cấu; chợ phiên Bắc Hà; nghề đan địu, nghề thêu thổ cẩm và vẽ sáp ong tại Thải Giàng Phố; nghề nấu rượu Bản Phố. Tuy nhiên, một số chợ phiên đang bị mai một về bản sắc văn hóa; các chợ phiên đều tương đồng nhau, chưa có sự khác biệt; hình thức tổ chức sản xuất của nghề thủ công truyền thống chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, chưa trở thành làng nghề. Các hộ dân tham gia sản xuất chưa có kỹ năng phục vụ khách hàng. Các sản phẩm chưa đa dạng, chưa nhiều giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật nên sức bán chưa cao.

 Những sản phẩm của làng nghề tạo nên gam màu rực rỡ cho khu du lịch Cát Cát.

Để thúc đẩy du lịch gắn với chợ phiên và làng nghề vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhờ làng nghề mà có thêm các sản phẩm du lịch, du lịch thu hút được nhiều khách thăm quan, trải nghiệm, tìm hiểu; nhờ du lịch mà làng nghề phát triển tốt nhờ quảng bá và bán được sản phẩm, cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng; có các giải pháp khả thi, hợp lý và hiệu quả. Đồng thời, cần có quy hoạch hệ thống chợ phiên gắn với kiến trúc và văn hóa truyền thống, theo hướng ưu tiên sản phẩm thủ công truyền thống, ẩm thực truyền thống. Quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ. Bảo tồn và đa dạng hóa sản phẩm thủ công truyền thống.

Phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển các sản phẩm du lịch có sự tham gia trực tiếp của người dân. tiếp tục triển khai hỗ trợ, tập huấn để bà con biết cách làm du lịch, phát triển giá trị gia tăng của sản phẩm. Đây là giải pháp đúng đắn, thiết thực nhằm nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân vùng cao, thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn phát triển bền vững.

Dự án 6 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đề ra mục tiêu “Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người”. Nội dung thực hiện Dự án chủ yếu là cac hoạt động hỗ trợ thúc đẩy, trong đó đáng lưu ý là hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu; Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận; Tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch;... Đây chắc chắn sẽ là giải pháp đột phá nhằm giúp du lịch và làng nghề truyền thống ở Lào Cai có bước tiến xa trong thời gian tới đây./.

Đình Lập

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực