Sức lan tỏa từ các mô hình, cách làm sáng tạo

Thứ tư, 13/09/2023 16:06
(ĐCSVN) - Để đẩy mạnh việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các cấp tỉnh Lào Cai phối hợp với các tổ chức đoàn thể đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Cán bộ y tế huyện Bắc Hà, Lào Cai tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không kết hôn sớm và kết hôn cận huyết thống. Ảnh: Minh Anh 

Triển khai thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phất triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai thực hiện 4 nội dung với 16 nhóm hoạt động. Trong đó, nổi bật là “Hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em”, các cấp hội đã thành lập được 324 tổ truyền thông cộng đồng và tổ chức 9 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành cho 852 thành viên tổ truyền thông cộng đồng.

Cùng với đó, việc “Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”, các cấp hội đã hỗ trợ 7 tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Nội dung “Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn triển khai thành lập, vận hành mô hình của dự án và thành lập 63 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi…

Năm 2023, mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” tiếp tục được các cấp trong toàn tỉnh Lào Cai tập trung nâng cao chất lượng hoạt động; xây dựng chương trình truyền thông trên các kênh truyền thông đại chúng và tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, truyền thông qua các cuộc triển lãm lưu động. Hỗ trợ các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ đồng thời xây dựng kế hoạch và triển khai củng cố, nâng cao chất lượng mô hình “Địa chỉ tin cậy” đã được thành lập, khảo sát. Tổ chức các cuộc đối thoại chính sách, lựa chọn nội dung đối thoại phù hợp, thiết thực, giải quyết được những vấn đề đang đặt ra, vấn đề bức xúc, khó khăn của phụ nữ trong xã hoặc cụm thôn, bản...

Với nhiều mô hình, cách làm mới được triển khai đã dần nâng cao nhận thức, hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Giai đoạn 2021 - 2024, Đảng ủy xã Pa Cheo (huyện Bát Xát) đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác phối hợp với ngành chuyên môn cấp huyện, đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua mô hình “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”. Đến nay, đã triển khai ký cam kết tại 5/5 thôn với hơn 540 hộ tham gia; xây dựng 2 mô hình về phòng chống tảo hôn cấp thôn.

Sau 2 năm thực hiện mô hình “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, đã giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người dân, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số trong ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cùng với đó, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền về: bỏ tục kéo vợ; không thách cưới cao; không để con cháu tảo hôn; không cho con cháu cùng, cận huyết thống lấy nhau…

Tỉnh Lào Cai đã triển khai 28 mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời.

Mô hình “Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” được tỉnh Lào Cai tổ chức điểm tại 2 xã Thái Niên, Phong Niên (huyện Bảo Thắng) với mục tiêu thông qua các hoạt động tại mô hình nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi về hôn nhân và gia đình theo đúng quy định của pháp luật.

Cải tạo, nâng cao điều kiện sinh hoạt cho người dân tộc Dao là mô hình được huyện Văn Bàn (Lào Cai) thực hiện điểm tại thôn Nậm Đinh, xã Nậm Dạng, từ tháng 9/2021.

Để phát huy hiệu quả mô hình, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân cải tạo tập quán lạc hậu, chỉnh trang nhà ở, vệ sinh môi trường sống, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, 100% hộ dân thôn Nậm Đinh có công trình phụ hợp vệ sinh; 90% hộ gia đình có hố rác thải; hơn 80% số hộ có nhà xây kiên cố sau 2 năm triển khai mô hình, UBND xã Nậm Dạng đã phát động thi đua thực hiện nhân rộng mô hình trên địa bàn xã.

Cùng với đó, để phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tại các xã vùng 3 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã triển khai 28 mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời (chương trình thuộc dự án 7 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Theo đó, tại các địa phương triển khai mô hình, trẻ em dưới 24 tháng tuổi được khám định kỳ 6 tháng 1 lần.

Đến nay, mô hình đã thực hiện 302 buổi truyền thông kết hợp thực hành dinh dưỡng cho 3.894 lượt đối tượng tham gia, như: huyện Văn Bàn 144 buổi cho 1.728 lượt; huyện Bát Xát 90 buổi cho 1.350 lượt người; huyện Si Ma Cai: 10 buổi cho 120 lượt người. Đồng thời triển khai tư vấn, hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời lồng ghép trước sinh tại trạm y tế xã và cộng đồng tại 05 xã vùng 3 của huyện Si Ma Cai.

Từ đầu năm đến nay đã có 02/23 mô hình được xây dựng theo kế hoạch năm, dự kiến đến hết năm 2023, toàn tỉnh xây dựng được 51 mô hình.

Mai Hoàng (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực