Tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số được xuất khẩu lao động

Thứ năm, 12/10/2023 16:05
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thời gian qua, công tác đưa người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài đã được quan tâm triển khai thực hiện và đạt kết quả đáng kể. Qua đó, giúp người lao động tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tích cực hỗ trợ người dân vùng dân tộc thiểu số thoát nghèo

Nậm Nhùn là huyện biên giới, đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu. Huyện có 11 dân tộc anh em cùng chung sống với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 39%. Nhờ xuất khẩu lao động, nhiều lao động ở vùng cao, vùng khó khăn là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nậm Nhùn có thu nhập khá và thoát nghèo.

Bà Lại Thị Huế, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện Nậm Nhùn, Lai Châu cho biết: "Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Lai Châu về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; nhận thức sâu sắc về việc làm cho người lao động, nhất là với hộ nghèo, hộ cận nghèo và chỉ có việc làm bền vững mới giúp người lao động trên địa bàn huyện nâng cao thu nhập đồng thời góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực và giúp giảm nghèo nhanh và bền vững, thời gian qua chúng tôi đã tham mưu UBND huyện giao chỉ tiêu cho UBND các xã thông qua việc ký biên bản cam kết của các xã với UBND huyện (theo đó mỗi xã cam kết đưa ít nhất 3 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm. Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện ký cam kết với UBND các xã, thị trấn; phối hợp thông tin đầy đủ về thị trường, đơn hàng để người dân hiểu và có sự lựa chọn cho mình một công việc phù hợp; phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức Phiên giao dịch việc làm tại huyện, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia".

Phòng Lao động, Thương binh và xã hộ huyện Nậm Nhùn cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp được cấp phép tuyển chọn lao động và UBND các xã, thị trấn triển khai tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn và phổ biến thông tin về các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài. Nhờ đó, thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn có 20 lao động đã xuất cảnh, đạt 400% kế hoạch được giao và đạt 600% so với năm 2022. Thông qua công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tạo điều kiện cho người lao động trên địa bàn huyện nâng cao thu nhập đồng thời góp phần nâng chất lượng nguồn nhân lực, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững.

 Lớp học dạy ngoại ngữ và dạy kỹ năng cho người dân tộc thiểu số trước khi đi lao động xuất khẩu tại nước ngoài (ảnh: CTV)

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Bắc Kạn xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp thiết thực trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Vì thế, hằng năm tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động. Đồng thời xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê danh sách số người nằm trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với khả năng, năng lực của người lao động và đúng pháp luật.

Thực hiện Tiểu dự án 3 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 6 tháng đầu năm 2023 các huyện trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền và 06 lớp đào tạo nghề và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức 04 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác giáo dục nghề nghiệp cho 350 đại biểu tại huyện Na Rì, Pác Nặm; xây dựng bảng tuyên truyền về hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại 222 thôn, tổ trên địa bàn huyện Na Rì.

Tại huyện Chợ Đồn, năm 2022, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Chợ Đồn giải ngân 343 triệu đồng để hỗ trợ người lao động thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2023 huyện giải ngân gần 1,5 tỷ. Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 02 đợt tư vấn cho 450 người và thành lập tổ thẩm định hồ sơ hỗ trợ đối với người đi lao động ở nước ngoài. Đến nay, trên địa bàn huyện có 217 lao động được hỗ trợ đi xuất khẩu lao động tại thị trường các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Rumani.

Ông Nguyễn Đức Hiệp, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Chợ Đồn cho biết: Để công tác xuất khẩu lao động được thực hiện có hiệu quả, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lựa chọn doanh nghiệp xuất khẩu lao động có đủ năng lực, cam kết cung cấp đủ hồ sơ liên quan để người lao động được hưởng chế độ theo quy định. Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tập huấn tại các xã để người lao động được biết và đăng ký tham gia xuất khẩu lao động.

Với sự vào cuộc tích cực của sở, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhiều gia đình tham gia xuất khẩu lao động không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả.

Đẩy mạnh hỗ trợ xuất khẩu lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Có thể thấy xuất khẩu lao động là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã được các địa phương đẩy mạnh triển khai nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho gia đình và địa phương. Thực tế cho thấy, cuộc sống của nhiều hộ gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động đúng pháp luật đến nay ở các địa phương đều được cải thiện đáng kể, bà con có điều kiện sửa sang, xây mới nhà ở, mua đồ dùng sinh hoạt và tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

 Lao động Việt Nam nhập cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). (Ảnh: Anh Nguyên - PV TTXVN tại Hàn Quốc)

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất khẩu lao động các địa phương cũng còn gặp không ít những khó khăn bởi nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo muốn đi xuất khẩu lao động nhưng không có chi phí ban đầu để học định hướng, khám sức khỏe; nhiều hộ gia đình và người lao động còn tâm lý không muốn đi xa làm việc, ngại tiếp cận những điều kiện mới. Chất lượng lao động thấp, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao…

Để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động ở vùng dân tộc thiểu số, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, hướng dẫn các chính sách hỗ trợ người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc tại nước ngoài như: Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 4/3/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; Thông tư 46/2022/TT-BTC, ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Đặc biệt, mới đây nhất, ngày 15/8/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, quy định rõ về nội dung, hình thức, mức hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài.

Theo đó, đối với người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài sẽ được hỗ trợ nhiều nội dung gồm: Hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề; Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ; Hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo; Hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo; Hỗ trợ tiền trang cấp đồ dùng cá nhân; Hỗ trợ tiền đi lại; Hỗ trợ chi phí làm thủ tục đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài …

Về hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ đào tạo, bổ túc kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ với các cơ sở đào tạo nghề, ngoại ngữ hoặc doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trường hợp không đủ điều kiện hoặc không lựa chọn được đơn vị thực hiện dịch vụ hoặc người lao động đã hoàn thành khóa học từ trước đó thì thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người lao động khi đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài căn cứ các hóa đơn, chứng từ thực tế.

Với các quy định cụ thể, chi tiết và mức hỗ trợ người lao động ngày càng cao qua các văn bản của Bộ Tài Chính cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, qua đó quyết tâm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu tạo việc làm trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.

Ngọc Lan (th)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực