Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ba chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ bảy, 02/09/2023 20:09
(ĐCSVN) - Việc huy động đảm bảo nguồn lực để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) mặc dù đạt những kết quả nhất định, song vẫn còn hạn chế, bất cập, vướng mắc cần được tháo gỡ nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình trong thời gian tới.
Từ năm 2021 - 2023, tổng vốn nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ, giao các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện 3 chương trình MTQG là hơn 83.616,6 tỷ đồng.

Từ năm 2021 - 2023, tổng vốn nguồn ngân sách Trung ương đã phân bổ, giao các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện 3 chương trình MTQG là hơn 83.616,6 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư công là hơn 48.216,8 tỷ đồng (bằng 47,24% kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021- 2025); kinh phí sự nghiệp là hơn 35.379,8 tỷ đồng. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 của các chương trình (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) ước thực hiện đến ngày 31/8/2023 đạt khoảng hơn 16.365,3 tỷ đồng (đạt 47,81% kế hoạch).

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2023 và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, nhiều địa phương đã chỉ rõ một số khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn như: Một số nội dung, nhiệm vụ thuộc chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được triển khai thực hiện, dự kiến một số mục tiêu không thể hoàn thành, cần rà soát, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, mặt bằng pháp lý.

Việc huy động đảm bảo nguồn lực để thực hiện chương trình mặc dù đạt những kết quả nhất định, song vẫn còn hạn chế, nhiều địa phương chưa chủ động cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện các chương trình; một số địa phương chưa thực sự chủ động nghiên cứu, xây dựng ban hành các quy định áp dụng tại địa phương theo thẩm quyền…

Đồng thời, việc giao vốn sự nghiệp đến từng tiểu dự án, chương trình khiến các địa phương không thể điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ hoặc không có khả năng giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân nhanh hơn nhưng thiếu vốn.

Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa 

Nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ

Trước những khó khăn về việc giao vốn sự nghiệp đến từng tiểu dự án, chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm giao, thông báo dự kiến kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2024 - 2025; phối hợp nghiên cứu, tổng hợp, hợp nhất các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chương trình để địa phương nghiên cứu, áp dụng đồng bộ. Đồng thời, đề xuất có cơ chế phù hợp đối với các địa phương không thể cân đối đủ nguồn lực đối ứng thực hiện các chương trình, nhất là các tỉnh miền núi, khu vực khó khăn.

Hiện Kon Tum đã phân bổ 100% kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán ngân sách Trung ương các năm 2022, 2023 của 3 chương trình MTQG. Trong 8 tháng đầu năm 2023, Kon Tum đã giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 kéo dài, đạt 49,7% kế hoạch; giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 đạt khoảng đạt 37% kế hoạch.

Hiện tỉnh Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của 3 chương trình MTQG với tổng số vốn là trên 5.030 tỷ đồng, giao kế hoạch giai đoạn 2021 - 2023 là trên 4.217 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là trên 2.586 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là trên 1.630 tỷ đồng. Từ năm 2022 đến nay, đã giải ngân đạt 49% kế hoạch vốn đầu tư phát triển, 16% kế hoạch vốn sự nghiệp.

Để đảm bảo tiến độ giải ngân các chương trình, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2023 và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cho phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng hoàn thành mục tiêu, kế hoạch xây dựng nông thôn mới của các địa phương, nhất là các xã thuộc khu vực miền núi. Đồng thời đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành văn bản quy định cách xác định “người lao động có thu nhập thấp” trong khi thực tế các huyện miền xuôi hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu là người không có khả năng lao động…

Từ những vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG tại các địa phương của tỉnh Bình Định cho thấy, một số nội dung, nhiệm vụ thuộc chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được triển khai thực hiện, cần rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ở các địa phương còn chênh lệnh lớn. Số lượng xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới rất ít. Công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình từ trung ương đến địa phương còn chậm.

Với tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giao thực hiện năm 2023 là 829,8 tỷ đồng (trong đó: vốn năm 2022 kéo dài là 210,5 tỷ đồng, vốn năm 2023 là 619,3 tỷ đồng) và vốn ngân sách tỉnh đối ứng là 111,9 tỷ đồng, tính đến ngày 15/8/2023, tỉnh Bình Định đã giải ngân tổng vốn ngân sách Trung ương là 240/829,8 tỷ đồng, tỷ lệ 28,92% kế hoạch.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2023 - Ảnh: Hải Minh 

Sẽ xem xét ban hành một số cơ chế đặc thù

Qua khảo sát thực tế và làm việc với một số địa phương về triển khai thực hiện các chương trình MTQG, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG cho biết các địa phương phản ánh việc giao vốn sự nghiệp đến từng tiểu dự án, chương trình khiến các địa phương không thể điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ hoặc không có khả năng giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân nhanh hơn nhưng thiếu vốn.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa sang mục đích sử dụng khác đòi hỏi nhiều thời gian, công sức; mức hỗ trợ nhà ở (40 triệu đồng/hộ) và xây dựng công trình cấp nước sạch (3 tỷ đồng/công trình) của Trung ương còn thấp, nhất là đối với các địa phương miền núi, các địa phương còn eo hẹp về nguồn lực; một số chỉ tiêu (nước sạch, tỉ lệ hỏa táng…) vượt quá khả năng thực hiện của địa phương.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các chương trình mục tiêu quốc gia, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2023 và giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cho biết tại Kỳ họp thứ 6 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét ban hành một số cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn trong việc tổ chức thực hiện vì thực tiễn cho thấy địa phương nào chủ động, quyết liệt hơn đều có tỉ lệ giải ngân cao hơn.

Theo Phó Thủ tướng, ác địa phương cần tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, trong đó có việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, đóng góp của nhân dân, và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Giao Linh (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực