Để thực hiện mục tiêu này, nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã kịp thời ban hành những kế hoạch, Chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thu hút đầu tư như nội dung số 03, Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đề ra.
Thừa Thiên Huế: Chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch 202/KH-UBND nhằm triển khai nội dung về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn năm 2023 - 2025.
|
Nhiều mô hình trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế) cho thu nhập từ 250-500 triệu đồng/năm. Ảnh: Bá Trí |
Theo đó, mục tiêu của Chương trình là thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh theo hướng phát huy giá trị văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh góp phần hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS&MN so với mức bình quân chung toàn tỉnh và cả nước mà Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025 đề ra. Phấn đấu mỗi xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh có tối thiểu 01 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Một mô hình được hỗ trợ phải tạo được việc làm, có hợp đồng thu mua sản phẩm cho ít nhất 15 hộ gia đình thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn; mỗi xã vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh có tối thiểu 01 sản phẩm được đưa lên sàn kinh tế hợp tác.
Đồng thời, 100% lãnh đạo và cán bộ thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ chủ chốt các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng đồng bào DTTS&MN, hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được tập huấn, trang bị kiến thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó, 100% hợp tác xã, tổ chức kinh tế, hoạt động, sự kiện kinh tế vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh được tập huấn, hội nghị, hội thảo, hỗ trợ để mở rộng, phát triển theo quy định của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN; tham gia các hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN thông qua các hoạt động triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm, hội chợ, điểm giới thiệu sản phẩm.
Cụ thể: Hướng dẫn, hỗ trợ tối thiểu 01 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh/xã nhằm tiêu thụ sản phẩm xã khó khăn, vùng đồng bào DTTS&MN, kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh và của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.
Hỗ trợ, xây dựng mô hình chăn nuôi áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến phù hợp với điều kiện tự nhiên của các địa phương; Kỹ thuật chăn nuôi bò bản địa sinh sản; Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện địa phương; Quy trình đưa sản phẩm nông nghiệp của đồng bào DTTS lên sàn thương mại điện tử.
Tập huấn các kiến thức cơ bản về kinh doanh, kỹ năng cơ bản về khởi sự doanh nghiệp, lựa chọn cơ hội kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm, những vấn đề thường gặp trong kinh doanh, vốn trong kinh doanh, kế toán trong kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh; Khởi sự kinh doanh gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; Khởi sự kinh doanh gắn với nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa cơ sở, kiểm nghiệm và công bố tiêu chuẩn cơ sở; Khởi sự kinh doanh gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; Khởi sự kinh doanh gắn với điều kiện lưu hành cho sản phẩm mới, sản phẩm khởi nghiệp; Tập huấn nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tại hiện trường, đáp ứng nhu cầu phát triển của các công nghệ tiên tiến, kỹ thuật sản xuất hiện đại.
Tư vấn, thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm mà địa phương có lợi thế, các tài nguyên bản địa. Nâng cao hiệu quả các phiên chợ vùng cao, tăng cường tiếp cận thị trường cho sản phẩm khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu các sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN. Triển khai các hoạt động thu hút đầu tư, hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm tiềm năng thương mại, xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường hoạt động quảng bá, quảng cáo sự kiện triển lãm (nhằm quảng bá các sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN).
Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo về thúc đẩy khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong thanh niên nông thôn, phát triển các sản phẩm có tiềm năng thương mại, xây dựng mô hình dược liệu quý, phổ biến mô hình khởi nghiệp, kinh doanh mới, ...; Tổ chức chương trình kết nối giữa doanh nghiệp và Thanh niên khởi nghiệp; tổ chức các sự kiện giao lưu, kết nối các câu lạc bộ khởi nghiệp; tổ chức khóa tập huấn về KNĐMST sáng tạo cho thanh niên. Cùng với đó, tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Quảng Ngãi: Tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”
|
Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao quà động viên tinh thần các thành viên Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi. Ảnh: Hiển Cừ |
Ở Quảng Ngãi, vùng đồng bào DTTS&MN có nhiều tiềm năng, thế mạnh; có nhiều sản phẩm đặc thù địa phương để có thể tận dụng khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên, hiện nay các dự án khởi nghiệp ở khu vực này còn hạn chế.
Thông qua chương trình “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Đồng thời, chương trình xây dựng nhiều hơn nữa những “vườn ươm” khởi nghiệp, các mô hình sản xuất mới hiệu quả, tạo sự kết nối giữa các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng, phong phú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh trong thời gian tới.
Chương trình cũng chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm khởi nghiệp của các bạn trẻ ở vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Quảng Ngãi; thông tin các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh vùng đồng bào DTTS&MN. Qua đó, góp phần khơi dậy và thúc đẩy đam mê khởi nghiệp, đưa phong trào khởi nghiệp đến sâu rộng trong giới trẻ.
Dịp này, Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Quảng Ngãi chính thức ra mắt, với 30 thành viên đến từ 5 huyện miền núi của tỉnh. Câu lạc bộ là nơi thu hút, tập hợp thanh niên, tạo điều kiện giúp đoàn viên, thanh niên ở vùng đồng bào DTTS&MN phát huy sức trẻ, sự sáng tạo trong phát triển kinh tế và chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau có những mô hình khởi nghiệp thành công.
Kon Tum: Tập huấn khởi nghiệp cho thanh niên vùng đồng bào DTTS năm 2023
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Kon Tum đã chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên phối hợp Huyện đoàn Ia H’Drai tổ chức Tập huấn khởi nghiệp cho Thanh niên vùng đồng bào DTTS năm 2023 với sự tham gia của 63 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Ia H’Drai. Tại lớp tập huấn, các bạn ĐVTN được giới thiệu các chủ trương chính sách Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Kon Tum với các chuyên đề như: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khởi nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh; Thúc đẩy phong trào và tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong thanh niên DTTS dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; Vai trò của tổ chức Đoàn và đoàn viên thanh niên trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo...
Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên vùng đồng bào DTTS, góp phần tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, ổn định đời sống kinh tế xã hội địa phương./.