Xã Thượng Trạch gặp nhiều khó khăn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ sáu, 03/11/2023 20:15
(ĐCSVN) - Vì là xã vùng III, xã đặc biệt khó khăn, 100% dân số là người dân tộc Ma Coong (Bru - Vân kiều), địa hình chia cắt, hiểm trở, đời sống kinh tế - xã hội chưa phát triển…, nên xã Thượng Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.
Địa hình chia cắt, hiểm trở, đời sống kinh tế - xã hội chưa phát triển…, nên xã Thượng Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia 

Thượng Trạch có tổng diện tích tự nhiên gần 74.152 ha; có đường biên giới giáp với nước bạn Lào dài 58,142 km. Xã có 18 thôn, bản; dân số hiện tại có 3.127 nhân khẩu với 692 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn đang ở mức cao với 491 hộ, 2.263 nhân khẩu, chiếm 70,95%; hộ cận nghèo 41 hộ, 203 nhân, khẩu chiếm 5,92%.

Hiện nay, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang thực hiện 06 dự án trên địa bàn xã Thượng Trạch, gồm:

Dự án 1 có 02 công trình: Hỗ trợ chuyển đổi nghề, kinh phí 464 triệu đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, kinh phí 213 triệu đồng.

Dự án 2 có 03 công trình: Đường giao thông nội bản Aky; Đường giao thông từ Đồn BP Cồn Roàng đi bản Cồn Roàng; Đường giao thông từ bản Cà Ròong 1 đi bản Bụt.

Dự án 3 có 02 công trình: Khoán bảo vệ 11.953,71 ha rừng tự nhiên, có 671 hộ tham gia, kinh phí gần 4,781 tỷ đồng; Hỗ trợ bảo vệ 1.419ha rừng tự nhiên, kinh phí 567,6 triệu đồng.

Dự án 4 có 01 công trình: Sửa chữa trụ sở xã, kinh phí 237 triệu đồng.

Dự án 6 có 05 công trình: Cải tạo nâng cấp điểm trường học thành nhà sinh hoạt cộng đồng tại bản Nịu (kinh phí 200 triệu đồng); bản Cóoc (kinh phí 200 triệu đồng), bản Cu Tồn (kinh phí 200 triệu đồng), bản 51 (kinh phí 200 triệu đồng) và 01 công trình nhà vệ sinh và thiết chế thể thao tại nhà sinh hoạt cộng đồng bản Cà Ròong 1 (kinh phí 182 triệu đồng).

Dự án 10 có 01 công trình: Phòng họp trực tuyến xã, kinh phí 169 triệu đồng.

 Vấn đề bố trí đất ở và nhà ở cho người dân xã Thượng Trạch đang gặp nhiều khó khăn

Qua gần 2 năm (2022 - 2023) triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn xã Thượng Trạch, nội dung gặp khó khăn nhất trong quá trình triển khai là Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Do đặc điểm địa hình nhiều đồi núi dốc và tập quán sinh sống của người dân tộc thiểu số. Vì vậy, 18 bản nằm rải rác dọc các khe suối trên địa bàn. Nhà ở của người dân chủ yếu là nhà sàn tre nứa gỗ truyền thống, nước sinh hoạt được lấy từ các khe suối và một số hệ thống nước sinh hoạt tập trung được Nhà nước và các tổ chức, cá nhân đầu tư hỗ trợ. Thực tế tại địa phương, quỹ đất để hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất còn hạn chế, phần lớn diện tích đất là đất lâm nghiệp (chiếm 98,04% tổng diện tích). Trong đó: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ (chiếm 82% tổng diện tích tự nhiên). Vì vậy, khó khăn trong quá trình phân bổ để sử dụng vào mục đích đất ở, đất sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, do tập quán canh tác lạc hậu theo chế độ bỏ hóa, chưa đầu tư thâm canh nên diện tích đất sản xuất đưa vào sử dụng hàng năm còn hạn chế, hệ số sử dụng đất thấp. Mặt khác, do tập quán sinh sống của đồng bào Ma Coong (Bru - Vân kiều) là sống tập trung trong một khu vực gần khe suối, nên diện tích đất ở không đảm bảo hạn mức đất ở theo quy định.

Về hỗ trợ đất ở, năm 2022, xã Thượng Trạch được bố trí kinh phí 480 triệu đồng, nhưng không triển khai được nên chuyển nguồn sang năm 2023. Năm 2023, xã tiếp tục được bố trí 1 tỷ đồng cho nội dung này, nâng tổng nguồn kinh phí là 1,480 tỷ đồng. Có 105 hộ sẽ được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ đất ở, với mức hỗ trợ 44 triệu đồng/hộ (trung ương hỗ trợ 40 triệu; địa phương hỗ trợ 4 triệu).

Về hỗ trợ nhà ở, năm 2022, xã Thượng Trạch được bố trí kinh phí 520 triệu đồng, nhưng không triển khai được nên chuyển nguồn sang năm 2023. Năm 2023, xã tiếp tục được bố trí 1 tỷ đồng cho nội dung này, nâng tổng nguồn kinh phí là 1,520 tỷ đồng. Có 50 hộ sẽ được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở, với mức hỗ trợ 44 triệu đồng/hộ (trung ương hỗ trợ 40 triệu; địa phương hỗ trợ 4 triệu).

Tuy nhiên, cả hai nội dung này (hỗ trợ đất ở và hỗ trợ nhà ở) đến nay đều chưa triển khai được. Lý do: mức hỗ trợ 44 triệu đồng/hộ để tạo quỹ đất ở là cao hơn nhu cầu thực tế ở địa phương, nghĩa là chưa dùng hết số tiền hỗ trợ, nhưng số tiền thừa không được chuyển sang nội dung khác hoặc chưa có hướng dẫn về việc này. Trong khi cũng với mức hỗ trợ 44 triệu đồng/hộ để làm nhà ở lại không đủ chi phí. Người dân tộc Ma Coong ở địa phương nằm trong số dân tộc có khó khăn đặc thù nên cơ bản không có đủ tiền (kinh phí đối ứng) bù thêm phần thiếu hụt để hoàn thiện ngôi nhà.

Những lý do trên cũng chính là một trong những nguyên nhân làm cho tiến độ thực hiện Dự án 1 ở nhiều địa phương gặp khó khăn. Nguyện vọng của địa phương muốn được lồng ghép nguồn vốn của 2 nội dung này để dùng phần tiền thừa khi mua đất ở bù sang phần thiếu hụt khi làm nhà ở.

Bên cạnh khó khăn trong thực hiện nội dung hỗ trợ đất ở và hỗ trợ nhà ở trong Dự án 1, thì nội dung hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề cũng gặp khó khăn. Hiện nay, đa số trường hợp lập gia đình, tách hộ di chuyển đến sinh sống tại các bản khác đang thiếu đất sản xuất định mức theo quy định (đối với đất trồng cây hàng năm khác 0,65ha/hộ; đất rừng sản xuất 2,5ha/hộ, xung quanh khu vực sinh sống nằm trong Quy hoạch 3 loại rừng). Về nội dung này, theo quy định của tỉnh và của trung ương, mức hỗ trợ tối đa là 22,5 triệu đồng/hộ để thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để giao đất có khả năng sản xuất. Nhưng do địa hình đồi, núi chia cắt, phức tạp, chủ yếu ven sông, suối, nên địa phương vừa không có đủ quỹ đất, vừa không đủ kinh phí để thực hiện dự án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để giao đất.

Trong khi nếu không đủ đất để sản xuất thì có thể được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Nhưng với định mức hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng vốn sự nghiệp là 10 triệu đồng/hộ để mua sắm máy móc, nông cụ, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, học nghề, chuyển đổi sang làm các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh khác… Với nguồn vốn hỗ trợ như vậy đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì không biết hỗ trợ như thế nào cho đúng và đạt hiệu quả cao nhất.

Đây cũng là khó khăn chung của rất nhiều xã vùng III (xã đặc biệt khó khăn) ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Mai Quý

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực